Định giá chứng khoán theo chỉ số cơ bản

Trong bài viết “Định giá cổ phiếu theo chỉ số chứng khoán cơ bản” của tôi soạn sau đây là được tham khảo cũng như copy từ nguồn trang web https://cophieux.com với mục đích sưu tầm để học hỏi nên nếu như bạn muốn có những thông tin chính xác cũng như đầy đủ nhất xin vui lòng truy cập vào trang web như mình đã đề cập ở trên. Sau đây là một số phương pháp định giá chứng khoán theo các chỉ số cơ bản nhất.

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Tổng hợp các phương pháp định giá chứng khoán theo chỉ số cơ bản

Định giá chứng khoán được nhắc đến với nhiều phương pháp khác nhau từ phương pháp theo các chỉ số cơ bản đến các phương pháp phân tích kỹ thuật sâu sắc với mỗi phương pháp đều có những ưu điểm và nhược điểm khác nhau. Trong bài này là tổng hợp siêu tầm các phương định giá chứng khoán theo các chỉ số cơ bản như sau đây.

Bài 01: Chỉ số chứng khoán cơ bản PE là gì? Cách tính P/E?

Trong chứng khoán, chỉ số P/E tên gọi khác như tỷ số P/E, Hệ số P/E, chỉ số PE… viết tắt của Price to Earning Ratio (PER),

Qua bài viết này, bạn sẽ hiểu được:

  • Chỉ số PE, P/E là gì?
  • Cách tính chỉ số P/E – PE
  • Ý nghĩa của chỉ số P/E
  • Định giá cổ phiếu theo phương pháp  P/E – PE bao nhiêu là tốt và hợp lý.
  • Công thức định giá cổ phiếu và các yếu tố tác động đến chỉ số P/E
  • Ví dụ minh họa về chỉ số P/E
  • Những lưu ý khác về chỉ số P/E

I. Chỉ số PE – P/E là gì?

Chỉ số pe có nghĩa là bạn sẵn sàng bỏ ra bao nhiêu tiền để đổi lấy 1 đồng lợi nhuận của doanh nghiệp đó.

Chỉ số P/E là viết tắt của Price to Earning Ratio (PER), một số tên gọi khác như tỷ số P/E, Hệ số P/E;

Chỉ số P/E là một trong những công cụ để định giá cổ phiếu khi đầu tư chứng khoán

Chỉ số P/E chính bằng số năm mà nhà đầu tư hòa vốn khi đầu tư vào doanh nghiệp, nếu lợi nhuận không đổi.

II. Cách tính chỉ số PE – P/E.

Theo hình trên, ta có công thức:

P/E = Giá thị trường / EPS

Hay  P/E = Vốn hóa công ty / Lợi nhuận sau thuế

Trong đó:
P = Price = Market Price: Giá thị trường tại thời điểm giao dịch.
EPS =  Earning Per Share: Lợi nhuận ròng của một cổ phiếu

Công thức EPS: = (Lợi nhuận sau thuế – Cổ tức cổ phiếu ưu đãi) / Tổng số cổ phiếu thường đang lưu hành)

  • P/E chỉ phát huy ý nghĩa nhất khi thỏa mãn về chỉ số EPS,

Ví dụ:

Nếu giá cổ phiếu của Vinamilk VNM  bán trên thị trường chứng khoán là 150.000 đồng và thu nhập của mỗi cổ phiếu là 7.500đ thì chỉ số P/E sẽ là 20 ( =150.000 / 7.500), điều này có nghĩa là nhà đầu tư sẵn sàng trả 20 đồng cho mỗi 1 đồng lợi nhuận của Vinamilk kiếm được trong 1 năm. Nếu Chỉ số P/E giảm xuống còn 10 có nghĩa là nhà đầu tư chỉ trả 10 đồng cho mỗi 1 đồng lợi nhuận.

Hiểu đơn giản: P/E = Số năm hòa vốn (Nếu lợi nhuận không đổi)

P/E là số liệu được tính toán dựa trên số liệu của 4 quý liên tiếp.

Nhà đầu tư nên phân biệt rõ hai loại P/E: loại lấy thu nhập bốn quí trước đó (gọi là trailing P/E) và loại dự báo thu nhập bốn quí tiếp theo (gọi là forward P/E hay P/E dự phóng). Khi nói đơn giản P/E, thì nên hiểu là trailing P/E.

Ví dụ P/E của Vinamilk là 20, một con số khá hợp lý, nhưng nếu Vinamilk tăng trưởng 30% vào năm sau, thì forward P/E của là 15.4, được đánh giá là khá rẻ.

Nếu bạn thắc mắc sử dụng chỉ số forward P/E hay trailing P/E sẽ tốt hơn, thì chẳng khác nào bạn hỏi quả cam và quả táo quả nào ngon hơn. Đó là câu trả lời chuẩn nhất đấy.

III . Ý nghĩa của chỉ số P/E, Chỉ số P/E nói lên điều gì?

Chỉ số P/E được hiểu là nhà đầu tư sẵn sàng trả bao nhiêu tiền cho 1 đồng lợi nhuận.

+ Ý nghĩa của chỉ số P/E thấp:

  • Cổ phiếu đang bị định giá thấp
  • Công ty đang gặp vấn đề (tài chính, kinh doanh…)
  • Công ty xuất hiện lợi nhuận đột biến, do bán tài sản chẳng hạn
  • Công ty ở vùng đỉnh chu kỳ kinh doanh – cổ phiếu theo chu kỳ

+ Ý nghĩa của chỉ số P/E cao:

  • Cổ phiếu đang định giá cao.
  • Triển vọng công ty trong tương lai rất tốt.
  • Lợi nhuận ít nhưng mang tính tạm thời
  • Công ty ở vùng đáy chu kỳ kinh doanh – cổ phiếu theo chu kỳ

IV. Định giá cổ phiếu  theo phương pháp P/E: Chỉ số P/E bao nhiêu là tốt và hợp lý?

Chỉ số P/E chỉ có tác dụng thực sự khi chúng ở cùng hoàn cảnh, điều kiện như nhau. Một số yếu tố ảnh hưởng đến P/E  như tốc độ tăng trưởng, lợi thế cạnh tranh, độ an toàn hay rủi ro về mặt tài chính, ngành kinh doanh, điều kiện vĩ mô như lạm phát, lãi suất, tốc độ tăng trưởng GDP… của đất nước…

Khi các điều kiện kinh doanh, tài chính, vĩ mô như nhau, thì chỉ số P/E càng thấp càng tốt.

Thực sự đánh giá chỉ số P/E như thế nào là tốt hay hợp lý là điều rất khó, tuy nhiên Ngọ cố gắng cụ thể hơn nữa, nếu bạn xem trọng P/E thì lưu ý vài góc độ sau:

  •  Công ty phát triển nhanh hay không (nếu chỉ tăng trưởng 5-7% mà P/E vẫn cao ngất ngưởng, chứng tỏ giá cổ phiếu quá cao);
  • Chỉ số P/E của ngành ra sao (so sánh P/E của một công ty điện lực với P/E của công ty kỹ thuật cao là điều vô nghĩa).
  • Mức độ lạm phát, lãi suất trái phiếu như thế nào? Chỉ số P/E sẽ ngược chiều với 2 yếu tố này.
  • Yếu tố rủi ro của doanh nghiệp: như rủi ro về tài chính như Nợ, hay rủi ro về kinh doanh: Khả năng xâm nhập ngành, rủi ro về quản trị như sự trung thực…
  • Đây có phải là công ty theo chu kỳ không?

v.v…

Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư chứng khoán chỉ thuần về sử dụng P/E, Ngọ sẽ đề xuất nhà đầu tư chỉ nên xem xét các doanh nghiệp có P/E < 1/ Lãi suất ngân hàng.

Ví dụ: Lãi suất ngân hàng = 6.5%, thì  khi đó P/E < 15.4 . Tuy nhiên để an toàn, bạn có thế hạ xuống mức thấp hơn nữa, ví dụ P/E < 10 chẳng hạn.

Thông thường, P/E từ 5-12 là bình thường. Khi bạn mua cổ phiếu có chỉ số P/E cao trong điều kiện kinh tế Việt Nam hiện tại  P/E > 15, bạn phải đảm bảo đây là công ty chất lượng tốt, hoặc bạn định giá cổ phiếu dựa trên phương pháp khác.

P/E cao thường mang tính rủi ro hơn so với P/E thấp, (tất nhiên nếu bạn hiểu – dựa vào phần vừa viết trên, còn bạn lớ ngớ thì P/E thấp bạn vẫn chết như thường) P/E cao cũng thường gắn liền với những công ty tăng trưởng, P/E thấp là đặc tính thường thấy của cổ phiếu giá trị.

V. Công thức định giá cổ phiếu theo phương pháp P/E

Ngọ bổ sung thêm công thức định giá cổ phiếu và các yếu tố cấu thành của chỉ số P/E, công thức cho doanh nghiệp tăng trưởng đều:

cong_thuc_PE

Công thức trên, ta thấy được các yếu tố có thể tác động làm thay đổi chỉ số P/E như là:

  • Tỷ lệ tăng trưởng cổ tức – g
  • Tỷ lệ chi trả cổ tức – b
  • Mức cổ tức được trả – DIV
  • Tỷ suất sinh lợi đòi hỏi – r

Ngoài ra, tỷ suất sinh lợi đòi hỏi r theo mô hình CAPM còn chịu ảnh hưởng của hệ số, tỷ suất sinh lợi thị trường rm, lãi suất phi rủi ro rf qua công thức:

r = rf + ( rm – rf )

Ngoài những yếu tố trên, còn có các yếu tố khác như: P/E toàn thị trường, P/E toàn ngành, đòn bẩy tài chính và một số chỉ số tài chính khác như ROAROE, D/E, Nợ

Do đó nếu bạn thấy cổ phiếu có P/E thấp hơn đáng kể so với cách định giá cổ phiếu như trên, thì xin chúc mừng bạn!.

VI. Ví dụ minh họa về chỉ số P/E

6.1 Chỉ số P/E của cổ phiếu Vinamilk

Chỉ số P/E ROA ROE của Vinamilk (VNM)

Nhận xét:

P/E của Vinamilk luôn duy trì ở mức cao trong 4 năm qua và cao hơn trung bình thị trường: 17.22, 15.73, 21.92, 21.5

Thực tế cũng chứng minh mua cổ phiếu Vinamilk  có P/E cao, là một giá hời. Giá cổ phiếu Vinamilk luôn tăng trong suốt thời gian từ khi niêm yết đến giờ.

Ý nghĩa của chỉ số P/E cao của Vinamilk là: Triển vọng của Vinamilk trong tương lai rất tốt, do đó nhà đầu tư sẵn sàng trả đến hơn 20 đồng cho 1 đồng lời nhuận của Vinamilk

6.2 Chỉ số P/E của cổ phiếu ROS

Chỉ số P/E, PE, P/E của ROS
Chỉ số P/E của cổ phiếu ROS ở mức cực cao nó đang bị thổi phồng

P/E của ROS: P/E = 245, điều đó thể hiện, bạn chờ hơn 2 thế kỷ để thu hồi vốn của mình, hoặc là nhà đầu tư tin tưởng ROS là một Amazon tiếp theo.

Nếu quay lại mục ý nghĩa chỉ  số P/E, bạn sẽ nhận ra ROS trong trường hợp này: Vượt quá xa so với giá trị thực. Nếu bạn nắm ROS lâu dài, bạn sẽ có 1 năng lực  Tôn Ngộ Không là biến: Nhà lầu thành túp lều tranh.

Cập nhật: Hiện tại (3/2019) cổ phiếu ROS đã giảm hơn 5 lần so với khi viết bài này

6.3 Chỉ số P/E của Vinasun: (mã VNS)

CHỉ số PE, P/E, P/B của VNS

P/E của VNS bé hơn 4.0, đây là chỉ số P/E rất thấp,

Ý nghĩa  chỉ số P/E thấp của Vinasun (tại thời điểm tháng 10) bởi 1 trong 2 ý nghĩa chính:

  • Nhà đầu tư đang nghĩ tương lai của Vinasun khá u ám, hiện Vinasun lợi nhuận đang sụp giảm mạnh, do đối mặt cạnh tranh với Uber và Grab, khi đó P/E sẽ tự động tăng cao lên lại, nên không phải là món hời, thậm chí là đắt.
  • Vinasun đang bị định giá thấp, do nhà đầu tư đã quá phóng đại tương lai u ám, với nền tảng của Vinasun, và nó sẽ vẫn giữ được vị thế của mình ở mức chấp nhận được và xứng đáng với giá cao hơn.

Ngọ đưa ra 3 ví dụ trên nhằm mục đích: Đánh giá chỉ số P/E bao nhiêu là tốt và hợp lý là không đơn giản, nó không phải là con số cứng nhắc, mà còn phù thuộc nhiều yếu tố khác.

VII. Các lưu ý về chỉ số P/E

P/E là một chỉ số đơn giản và rất dễ tính toán, cũng như công cụ định giá hiệu quả trong đầu tư, nhưng bạn cần vài lưu ý sau

  • EPS có thể âm và P/E không có một ý nghĩa kinh tế khi mẫu số âm, do đó bạn phải sử dụng các công cụ định giá khác
  • Lợi nhuận dễ biến động, và dễ bóp méo do đó P/E cũng dễ biến động hay bóp méo => Nên đánh giá P/E qua thời gian dài từ 3-5 năm

Tổng kết:

  • P/E = Giá thị trường / EPS (EPS: Lợi nhuận sau thuế của 1 cổ phiếu)
  • P/E  là số năm thu hồi vốn, nếu lợi nhuận không đổi, hay là số tiền bỏ ra cho 1 đồng lãi.
  • Khi đánh giá chỉ số P/E cần chú ý về tốc độ tăng trưởng, lợi thế cạnh tranh, lạm phát, độ rủi ro… Nếu tất cả các yếu tố như nhau thì P/E thấp hơn sẽ tốt hơn.
  • P/E cũng là chỉ số dễ bóp méo.
  • Nên kết hợp chỉ số P/E với các tiêu chí đánh giá khác khi đầu tư vào doanh nghiệp.

                                                                                                                                                                     Nguồn bài viết https://cophieux.com/chi-so-pe/


Bài 02: Chỉ số chứng khoán cơ bản EPS là gì? bao nhiêu là tốt?

EPS là 1 chỉ số tài chính quan trọng để đầu tư chứng khoán. Nhưng bản chất đúng của EPS là gì không phải nhà đầu tư nào cũng hiểu rõ.

  • Chỉ số EPS là gì?
  • Chỉ số EPS có ý nghĩa gì?
  • Các loại EPS
  • Mối quan hệ giữa chỉ số EPS và P/E
  • Chỉ số EPS bao nhiêu là tốt
  • Ví dụ để hiểu về EPS
  • Những lưu ý khác về EPS

I. Chỉ số EPS là gì?

EPS (Earning Per Share) là Lợi nhuận sau thuế của 1 cổ phiếu.

Với: Lợi nhuận sau thuế là 4 quý liên tiếp, Nếu nói EPS năm 2017 tức là lợi nhuận sau thuế của một cổ phiếu của năm 2017; nếu nói thường EPS thì ta thường mật định là EPS 4 quý báo cáo gần nhất

Cách tính chỉ số EPS:
EPS là 1 chỉ số tài chính quan trọng để đầu tư chứng khoán

Ví dụ: Cổ phiếu  Vinamilk (VNM) 4 quý gần nhất tổng lãi 10.028 tỷ đồng và số cổ phiếu đang lưu hành là 1,45 tỷ cổ phiếu. Vậy EPS của VNM sẽ là:
EPS (VNM) = 10.028 tỷ đồng/ 1,451 tỷ cổ phiếu = 6.910 (đồng)

II. Chỉ số EPS có ý nghĩa gì? EPS cơ bản & EPS pha loãng!

Ý nghĩa của EPS:

  • Thể hiện mức lợi nhuận của 1 cổ phiếu.
  • Khi doanh nghiệp có thu nhập trên mỗi cổ phiếu là 7000 đồng như VNM, tức là EPS = 7000 đồng
  • EPS là phiên bản rút gọn nhất của lợi nhuận sau thuế. Vì Doanh nghiệp lợi nhuận hàng năm có thể rất cao nên khó tính toán mà EPS = Lợi nhuận/ Số cổ phiếu

2 loại EPS

Gồm: EPS cơ bản và EPS pha loãng.

EPS cơ bảnEPS = (Thu nhập ròng – cổ tức cổ phiếu ưu đãi) / lượng cổ phiếu lưu hành

EPS pha loãng là EPS do Doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu chuyển đổi, cổ phiếu ưu đãi, quyền mua cổ phiếu, ESOP, phát hành cho cổ đông chiến lược… Nên bị pha loãng cổ phiếu ra.

EPS pha loãng sẽ có độ chính xác hơn, vì nó phản ảnh sự kiện sẽ xảy ra trong tương lai.

III. Mối quan hệ giữa chỉ số EPS và P/E là gì?

Chỉ số EPS là thành phần cấu tạo nên chỉ số P/E; chữ E ở chỉ số P/E tức là viết tắc của EPS. Vì giá cổ phiếu luôn lớn hơn 0 (P>0), trong khi lợi nhuận doanh nghiệp có thể lãi, có thể lỗ, nên EPS>0, hoặc EPS=<0.

  • Hay Giá = P/E X EPS
  • Khi EPS > 0 thì ta có thể tính và định giá cổ phiếu theo P/E
  • Khi EPS < 0 thì ta không áp dụng để tính P/E, mà có thể xài chỉ số P/B

IV. Chỉ số EPS bao nhiêu là tốt?

Nếu bạn đã từng đọc bài viết Toàn diện về ROE do Ngọ đã viết (tại đây), bạn sẽ thấy ROE >15% bền vững ít nhất 3 năm, có xu hướng gia tăng thì sẽ tốt.

Một mệnh giá cổ phiếu là 10.000 đồng, (lưu ý là mệnh giá cổ phiếu khác với giá trị sổ sách và giá cổ phiếu nhé), tất cả các doanh nghiệp niêm yết ở 3 sàn VN-INDEX, HNX, UPCOM đều có mệnh giá duy nhất là 10.000 đồng.

Do đó 1 doanh nghiệp được đánh giá làm ăn tốt thì ta có  EPS> 1.500 đồng và duy trì nhiều năm, có xu hướng tăng. Ít nhất cũng nên EPS>1.000 đồng!

V. Ví dụ tổng quát về chỉ số EPS

1. Chỉ số EPS của Vinamilk (VNM)

Chỉ số EPS của VNM – Vinamilk

Nhận xét:

  • EPS cơ bản = EPS pha loãng = 6.91 ngàn đồng. Lý do là VNM không có phát hành trái phiếu chuyển đổi, hay hay quyền mua cổ phiếu còn hiệu lực.
  • EPS = 6.910 > 1.500 đồng, và nhiều năm bền vững => Vinamilk là công ty tốt
  • Mối quan hệ giữa P/E & EPS là P/E = Giá / EPS = 165.9 / 6.91 = 24.39. => P/E = 24.39
  • Số cổ phiếu lưu hành là 1,451,246.749 và EPS = 6.91 => Lợi nhuận sau thuế = EPS X Số cổ phiếu lưu hành = 6.91 X 1.451.246.749  = 10.027 tỷ đồng (hơn 10 ngàn tỷ đồng)

2. Chỉ số EPS của Công ty Cổ phần Công viên nước Đầm Sen, mã DSN

Chỉ số EPS của DSN – Công viên nước Đầm Sen

Nhận xét: DSN có:

  • EPS cơ bản = 7.40; EPS pha loãng = 7.40. Điều đó có nghĩa là mỗi cố phiếu DSN có lợi nhuận sau thuế tương ứng là 7.400 đồng.
  • EPS = 7400 đồng > 1.500 đồng => Công ty DSN làm ăn rất hiệu quả
  • Giá bán là 56.500 đồng. Ở mức P/E là 7.64.

3. Chỉ số EPS của Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros (mã ROS)

Chỉ số EPS của ROS - FLC Faros
Chỉ số EPS của ROS – FLC Faros

Nhận xét: ROS có:

  • EPS cơ bản = 1.65; EPS pha loãng = 1.38, điều đó có nghĩa là mỗi cố phiếu DSN có lợi nhuận sau thuế tương ứng là 1.380 đồng
  • EPS = 1.380 < 1.500 đồng, và lợi nhuận những năm trước cũng không tốt. => Công ty ROS hoạt động không tốt
  • Giá bán là 56.800 đồng. Ở mức P/E là 38.6

Kết luận: Thị giá của DSN (56.5) và ROS (56.8) có giá xấp xỉ nhau, nhưng mỗi cổ phiếu của DSN làm ra 7.400 đồng lợi nhuận, trong khi ROS chỉ làm ra được 1.380 đồng lợi nhuận. Hay chỉ số P/E của DSN chỉ là 7.64, còn ROS tới tận 38.60

Để đầu tư, bạn chọn mua DSN là lựa chọn tốt, còn mua ROS sớm muộn gì bạn cũng sẽ thua lỗ.

VI. Hạn chế của EPS là gì?

  • EPS có thể âm và P/E không có một ý nghĩa kinh tế khi mẫu số âm, do đó bạn phải sử dụng các công cụ định giá khác
  • Lợi nhuận dễ biến động, có thể do đột biến, bán tài sản, chủ doanh nghiệp cố tình, hay thuộc ngành có chu kỳ cao. Khi đó EPS sẽ bị bóp méo.
  • Doanh nghiệp liên tục phát hành thêm cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi, cổ phiếu ESOP khiến EPS giảm, nhà đầu tư gặp rủi ro
  • Doanh nghiệp xào nấu số liệu, dẫn đến lợi nhuận ảo (Trường hợp TTF giai đoạn 2015-2016) khiến NĐT thua lỗ, bằng cách gia tăng hàng tồn kho và khoản phải thu…

nguồn bài viết https://cophieux.com/eps-la-gi-chi-so-eps-bao-nhieu-la-tot-hieu-toan-dien-ve-eps/


Bài 03: Chỉ số chứng khoản cơ bản PEG là gì? Cách tính?

Chỉ số PEG là gì? Đó là chỉ số định giá cổ phiếu giúp NDT tìm kiếm được cổ phiếu giá hời. Chỉ số PEG là chỉ số được nhiều NĐT theo trường phái đầu tư tăng trưởng nghiên cứu & tìm hiểu.

Nội dung gồm:

  • Chỉ số PEG là gì?
  • Cách tính chỉ số PEG?
  • Chỉ số PEG bao nhiêu là tốt?
  • Khi chỉ số PEG âm thì ta xử lý như thế nào?
  • Những chú ý khi tính chỉ số PEG

I. Chỉ số PEG là gì? Hệ số PEG là gì?

Chỉ số PEG là một chỉ số tài chính quan trọng, tuy nhiên được biết đến ít hơn so với người anh em của nó là chỉ số P/E. Chỉ số PEG còn gọi tên là Hệ số PEG, hay tỷ số PEG.

P/E được xem là số tiền phải trả cho 1 đồng thu nhập, hay P/E chính là số năm hòa vốn nếu lợi nhuận không đổi.

Nhưng thực tế lợi nhuận của doanh nghiệp luôn thay đổi theo thời gian, đó là 1 trong nhiều lý do tạo nên chỉ số P/E khác nhau giữa các doanh nghiệp. (Bạn xem ở bảng ngay dưới)

G là 1 phần lý do làm cho P/E các cổ phiếu khác nhau

Vậy để khắc phục tình trạng này, thì NĐT sử dụng chỉ số PEG thay thế. Chỉ số PEG thể hiện mối quan hệ giữa chỉ số P/E (giá/thu nhập) so với tỷ số tăng trưởng G của thu nhập (EPS).

Do đó, chỉ số P/E thể hiện bản chất tĩnh của doanh nghiệp, còn chỉ số PEG thể hiện bản chất động.

Nhà đầu tư được biết đến nhiều nhất khi sử dụng phương pháp này là: Peter Lynch.

II. Cách  tính chỉ số PEG là gì?

Công thức tính chỉ số PEG là:

PEG = PE/G

Với:

  • PE: Tức là chỉ số P/E
  • G: Tốc độ tăng trưởng trong tương lai (%)

Khi đó ta hiểu:

Nếu một cổ phiếu có chỉ số P/E bằng 15, và khi ta có chỉ số G

  • Trường hợp 1: Khi G = 10%, thì khi đó PEG = 15/10 =1.5
  • Trường hợp 2: Khi G = 15%, thì khi đó PEG = 15/15 = 1
  • Trường hợp 3: Khi G = 20%, thì khi đó PEG = 15/20 = 0.75

Về số học: PEG là chỉ số dễ hiểu, nhưng bạn không thể giả định P/E và G là bao nhiêu rồi tính ra kết quả PEG là bao nhiêu được. Có PE & G thì học sinh lớp 2, đã tính được rồi. Cách tính cụ thể, Ngọ sẽ hướng dẫn ở phần viết dưới. Nhưng bạn cần hiểu bản chất về PEG trước đã  -Dục tốc bất đạt-

III. Chỉ số PEG bao nhiêu là hợp lý?

Trong chứng khoán, chỉ số PEG thể hiện mối quan hệ giữa chỉ số P/E & G.

Ta có:

P/E hợp lý  = G

Điều đó: PEG hợp lý = PE/G = 1.

Khi cổ phiếu có Giá (P) để tạo nên: PEG = 1, thì được xem là giá trị thực của cổ phiếu.

Nên:

 Giá cổ phiếu được xem là đúng giá trị thực, khi cổ phiếu có chỉ số PEG = 1

Hệ quả:

  • PEG > 1: Giá cổ phiếu cao hơn giá trị thực
  • PEG = 1: Giá cổ phiếu đúng bằng giá trị thực
  • PEG < 1: Giá cổ phiếu thấp hơn giá trị thực

Áp dụng vào ví dụ phí trên:

  • Trường hợp 1: Khi G = 10%, thì khi đó PEG = 15/10 =1.5
    => PEG > 1: Cao hơn giá trị thực. Nên ta không mua và bán đi.
  • Trường hợp 2: Khi G = 15%, thì khi đó PEG = 15/15 = 1.
    =>  PEG = 1: Bằng giá trị thực, Nên ta không mua hoặc bán đi.
  • Trường hợp 3: Khi G = 20%, thì khi đó PEG = 15/20 = 0.75
    => PEG <1: Thấp hơn giá trị thực. Nên ta mua vào

Mở rộng ra thêm: PEG<1 là cổ phiếu thấp hơn giá trị thực & PEG càng thấp càng tốt

IV. Khi chỉ số PEG trong chứng khoán ÂM! Cách xử lý.

Như chúng ta đã biết, chỉ số PEG được cấu thành từ 2 chỉ số là PE & G. Vậy khi nào chỉ số PEG âm?

  • P/E âm, tức là doanh nghiệp làm ăn lỗ.
  • G âm, tức là lợi nhuận năm tương lai, ít hơn hiện tại & quá khứ

Trường hợp 1: Chỉ số P/E âm. Nếu bạn đã đọc bài kỹ bài về bài chỉ số P/E Ngọ viết. Khi đó P/E âm sẽ không có ý nghĩa về kinh tế. (Chẳng có tôi bỏ âm tiền (ông cho tôi tiền), để mua doanh nghiệp ông. Hay chẳng ai vừa trả tiền, vừa trao doanh nghiệp thua lỗ của mình – Thà tuyên bố phá sản, giải thể còn hơn).

P/E âm => Không có ý nghĩa về mặt định giá, hay kinh tế.

Trường hợp 2: Khi G âm: Lợi nhuận tương lai ít hơn hiện tại.

Khi G âm, thì ta nên xét không phải là G của năm sau mà là G dài hạn, từ 3-10 năm!

Khi G âm, thường xảy ra bởi nguyên nhân sau:

  • Do doanh nghiệp mới thành lập, chưa ổn định
  • Do doanh nghiệp gặp những khó khăn tạm thời
  • Do biến động của kinh tế vĩ mô, chu kỳ kinh tế,
  • Do thay đổi của ngành: Taxi truyền thống bị thay thế dần bởi taxi công nghệ
  • Do chính vấn đề nội tại của doanh nghiệp.
  • Đối thủ cạnh tranh

Khi G âm, hay PEG âm (G: dài hạn âm), thì mua cổ phiếu những doanh nghiệp này rủi ro hơn.  Nhưng cũng hãy chú ý là G ÂM nhẹ hay  ÂM nhiều nữa.
Khi bạn quyết mua cổ phiếu doanh nghiệp này, thì bạn không nên áp dụng chỉ số PEG âm mà thay vào đó là các chỉ số tài chính khác. Ví dụ như P/B, cổ tức…

Khi PEG âm, bạn nên sử dụng công cụ định giá khác

V. Những lưu ý khác khi sử dụng chỉ số PEG

Nhiều nhà đầu tư thích PEG vì nó thể hiện đầy đủ mối tương quan giữa thu nhập & tăng trưởng. Bởi P/E không thể hiện hứa hẹn về một tương lai hứa hẹn của doanh nghiệp, vì mang tính tĩnh.

Để dễ hình dung, bạn hãy tưởng tượng: Doanh nghiệp giống con người, nếu Anh Tèo 30 tuổi thu nhập 30 triệu/tháng, Anh Tí 50 tuổi thu nhập 30 triệu/tháng. Vậy bạn nghĩ lúc 60 tuổi thì khả năng Tèo hay Tí thu nhập ai cao hơn? (Cái bạn nghĩ gọi là định giá tương quan Tèo & Tí)

Tuy nhiên, khi doanh nghiệp không tăng trưởng cao (0-5%), nhưng trả cao tức khá cao. Bạn không thể trả giá cho tương ứng mức tăng trưởng là P/E = 0->5 được. Rõ ràng đó là mức giá rất hời!

Ngoài ra, G thường khó tính toán hơn, và đó là tỷ lệ ước đoán. Vậy làm thế nào bạn có thể tính toán chỉ số PEG này.

VI. 7 chú ý để tính chỉ số PEG chính xác hơn? Cách tính chỉ số G

Tính G với tỷ lệ chính xác 100% là điều không thể! Chúng ta biết chính xác chỉ số P/E là bao nhiêu, vì đó là chỉ số quá khứ. Nhưng G là tốc độ tăng trưởng dài hạn trong tương lai. Tuy nhiên, 7 bí quyết sau sẽ giúp bạn gia tăng khả năng tính chính xác G hơn

  1. Không phải 100% số mã bạn đều tính được tốc độ tăng trưởng. Rất nhiều cổ phiếu bất ổn, hãy tránh xa nó. Buffett thường đầu tư vào doanh nghiệp dễ dự đoán.
  2. Cẩn thận với những cổ phiếu có chỉ số G quá cao. Ví dụ cổ phiếu công nghệ tăng 50%/năm, khi đó P/E = 50 là hợp lý. Vậy bạn dám chắc rằng tốc độ tăng trưởng G =50% sẽ kéo dài trong thời gian dài.
  3. Xem xét tốc độ & gia tốc tăng trưởng trung bình lợi nhuận của doanh nghiệp 3-5 năm
  4. Đánh giá các yếu tố tài chính khác như ROE, lợi nhuận gộp/doanh thu có thay đổi nhiều không? Ổn định không?
  5. Doanh nghiệp đó có lợi thế cạnh tranh bền vững hay độc quyền hay không? Hoạt động doanh nghiệp hiện tại như thế nào (Mở rộng cửa hàng, nhà máy, tăng công suất)
  6. Môi trường kinh doanh, điều kiện vĩ mô có ổn định không?
  7. Trừ khi bạn hiểu rõ doanh nghiệp, đừng mua cổ phiếu có chỉ số P/E quá cao (P/E>20 chẳng hạn) – Trừ trường hợp định giá theo phương pháp khác.

KẾT LUẬN:

  • Chỉ số PEG thể hiện mối quan hệ giữa P/E & G
  • Chỉ số PEG = PE/G
  • Khi PEG < 1: Là cổ phiếu thấp hơn giá trị thật, càng thấp càng tốt.
  • Khi PEG âm: Không nên định giá cổ phiếu bằng phương pháp
  • PEG có tính động, nó cũng có ưu & nhược điểm riêng
  • Nên kết hợp với các chỉ số khác để định giá tốt hơn

Nguồn bài viết https://cophieux.com/chi-so-peg-la-gi/


Bài 04: Chỉ số P/B là gì. Ý nghĩa & Định giá theo P/B

Nội dung bài viết gồm:

  • Chỉ số P/B, P/BV là gì?
  • Ưu nhược điểm của chỉ số P/B
  • Công thức tính chỉ số P/B
  • Ý nghĩa của chỉ số P/B
  • P/B bao nhiêu là tốt?
  • Minh họa về chỉ số P/B

I. Chỉ số P/B – P/BV là gì?

Chỉ số P/B là viết tắt của Price to Book Value Ratio (PBR), còn gọi tỷ số P/B, Hệ số P/B;

P/B là một công cụ của phương pháp phân tích cơ bản để định giá cổ phiếu

P/B là tỷ số thể hiện giá cổ phiếu gấp bao nhiêu lần tài sản ròng (ghi ở báo cáo tài chính) của doanh nghiệp.

Hay: Chỉ số P/B là số tiền phải trả cho 1 đồng vốn chủ sở hữu.

N

II. Công thức tính chỉ số P/B – P/BV – PB

Công thức:

P/B = Giá thị trường / Giá trị sổ sách của 1 cổ phiếu

Hay  P/B = Vốn hóa công ty / Vốn chủ sở hữu

Trong đó:

P = Price = Market Price: Giá thị trường tại thời điểm giao dịch.

B =  Book Value: Giá trị sổ sách của một cổ phiếu

Ví dụ:

Nếu giá của Vinamilk (VNM) là P =200.000 đồng và Giá trị sổ sách của 1 cổ phiếu (book value) là 20.000 đồng. Khi đó P/B VNM = 10, Nhà đầu tư sẵn sàng trả gấp 10 lần vốn chủ sở hữu của nó. Điều đó ngụ ý rằng, NĐT tin tưởng rất lớn về triển vọng tươi sáng và độ trường tồn của VNM. Hiểu đơn giản: Ta bỏ ra 5.000 đồng để mua tờ tiền 500 đồng (do tờ 500đồng seri đẹp, hàng độc… chẳng hạn)

Ngược lại: Taxi Mai Linh Miền Trung (mã MNC) có P = 4.500 đồng, giá trị sổ sách là BV = 11.500 đồng,  khi đó P/BV = 0.4 ( = 4.500 / 11.500). Nhà đầu tư chỉ sẵn sàng trả 40% giá trị tài sản của MNC, do tin rằng tài sản thực tế của MNC thấp hơn nhiều giá trị sổ sách của nó, hoặc là MNC làm ăn có chẳng ra gì, tương lai mờ mịt.

III. Ưu điểm và nhược điểm của chỉ số PB

1. Ưu điểm của chỉ số P/B

  • Vì BV thường có giá trị dương, nên có thể sử dụng P/B để định giá ngay cả những công ty làm ăn thua lỗ
  • Vì BV thường ổn định hơn EPS, P/BV sẽ là một chỉ số tốt khi EPS quá biến động hơn là chỉ số P/E, PEG, EV/EBIT, EV/EBITDA, P/S…
  • Chỉ sổ P/B rất phù hợp trong việc định giá những công ty có phần lớn tài sản có tính thanh khoản cao, như ngân hàng, công ty tài chính, bảo hiểm và các công ty đầu tư.

2. Nhược điểm của P/BV:

  • Không phù hợp để định giá cổ phiếu của các công ty dịch vụ, nơi mà tài sản vô hình như con người, độ trung thành của khách hàng…
  • Chỉ số P/BV sẽ không phải là một chỉ số tốt để so sánh các doanh nghiệp trong cùng ngành, do sự khác biệt về mô hình, chiến lược kinh doanh, phân khúc
  • Không hiệu quả lắm ở những công ty tăng trưởng nhanh.
  • Có thể bị làm ảo do nguyên tắc kế toán, như tài sản ngầm, tài sản ảo nhiều.

IV. Ý nghĩa của chỉ số P/B, Chỉ số P/B nói lên điều gì?

1. Ý nghĩa của chỉ số P/B thấp:

  • Cổ phiếu đang bị định giá thấp
  • Công ty đang gặp vấn đề (tài chính, kinh doanh…)
  • Tài sản thực tế của công ty thấp hơn  so với phần ghi ở sổ sách (BCTC)

2. Ý nghĩa của chỉ số P/B cao:

  • Cổ phiếu đang định giá cao.
  • Triển vọng công ty trong tương lai rất tốt.
  • Công ty có nhiều tài sản ngầm đáng giá hơn nhiều như bất động sản, bằng sản chế, nắm cổ phần công ty khác.

V. Chỉ số P/B bao nhiêu là tốt và hợp lý?

Chỉ số P/B phụ thuộc vào  lợi nhuận, tốc độ tăng trưởng, lợi thế cạnh tranh, độ an toàn hay rủi ro về mặt tài chính, ngành kinh doanh của doanh nghiệp, điều kiện vĩ mô như lạm phát, lãi suất, tốc độ tăng trưởng GDP của đất nước.

Khi các yếu tố của doanh nghiệp như nhau, thì chỉ số P/B càng thấp càng tốt.

Nếu hỏi chỉ số P/B bao nhiêu là tốt? Thì câu trả lời là không có câu trả lời tuyệt đối chính xác. Nhưng công ty có thiên hướng tăng trưởng, blue chip bền vững thường sẽ có chỉ số P/B rất cao. Ví dụ như P/B của VNM >10 (cuối năm 2017), hay của VIC (P/B =10). Những công ty có thiên hướng giá trị thì có P/B thấp  như Vinasun (VNS) có P/B = 0.6, Hoàng Anh Gia Lai HAG  có P/B =0.5. Nhưng có vài gợi ý sau để bạn có thể lọc ra những cổ phiếu tốt và tránh xa cổ phiếu xấu:

  • Công ty tạm tạm, tăng trưởng năm được năm mất, thua lỗ, thiếu ổn định mà P/B cao (Ví dụ như P/B >1 chẳng hạn), P/B càng cao thì càng tránh xa.
  • Thực tế tài sản có thực sự đáng giá hay không? Ví dụ công ty có quá nhiều hàng tồn kho, khoản phải thu thì chỉ sổ P/B càng dễ là số ảo, khi đó giá trị sổ sách (Book value – BV) thực tế thấp hơn rất nhiều dẫn đến P/B bị tăng lên.
  • Yếu tố rủi ro của doanh nghiệp: như rủi ro về tài chính như Nợ,hay rủi ro về kinh doanh: khả năng xâm nhập ngành, rủi ro về quản trị như sự trung thực…

v.v…

Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư chứng khoán chỉ thuần về sử dụng P/B, Ngọ sẽ đề xuất nhà đầu tư chỉ nên xem xét các doanh nghiệp có P/B < 1.5 Tất nhiên, bạn sẽ không có khả năng mua được những công ty tốt nhất như HPG, VNM, MWG, FPT nhưng bù lại bạn sẽ trách những anh chàng như ROS (khi viết bài này ROS > 150k)…

Nếu tính toàn cục thì P/B càng cao thì càng rủi ro hơn và ngược lại P/B thấp sẽ an toàn hơn, tuy nhiên nếu bạn không hiểu sâu về P/B bạn vẫn chết như thường. P/B cao thường gắn liền với công ty tăng trưởng, P/B thấp gắn liền với công ty giá trị. Tuy nhiên nếu bạn mua những công ty P/B thấp nhưng gặp vấn đề khó xoay chuyển tình thế hay những công ty có P/B quá cao nhưng triển vọng không quá tốt, bạn sẽ gặp rắc rối.

Thông thường, P/B từ 0.7-1.5 là bình thường. Khi bạn mua cổ phiếu có chỉ số P/B cao, hãy đảm bảo đó là những công ty chất lượng và tăng trưởng.

Ngoài ra, bạn có thể định giá dựa vào P/B quá khứ của chính doanh nghiệp với giả định chỉ số P/B không đổi, từ năm này qua năm khác. Tiến hành mua vào khi P/B thấp hơn đáng kể P/B trung bình quá khứ.

VI. Minh họa về chỉ số P/B

1. Chỉ số P/B của Vinamilk  (mã VNM)

Chỉ số P/B của Vinamilk (Mã VNM)
Chỉ số P/B của Vinamilk (Mã VNM)

Nhận xét: Ngày 26/01/2018, BV của VNM là 16.54, trong khi giá P = 211.8 Khi đó P/BV =211.8/16.54 = 12.8

Thực tế từ trước đến giờ dù P/B của VNM luôn ở mức cao, nhưng VNM đã liên tục tăng giá từ khi niêm yết đến giờ, vì VNM là công ty tăng trưởng rất tốt và bền vững nên NĐT sẵn sàng trả tới 12.8 đồng cho 1 đồng vốn của VNM

2. Chỉ số P/B của ROS

Ngày 26/01/2018, P/B của ROS của rất cao P/B = 164/10.65 = 15.3 Nhưng ROS là công ty hoạt động kinh doanh chỉ ở mức tạm tạm, nhiều khoản trong báo cáo tài chính đáng ngờ. ROS đang có giá rất cao. ROS là cổ phiếu vượt quá xa giá trị, nên tránh xa.

3. Chỉ số P/B của VNS

Ngày 26/01/2018 VNS có BV = 24.78; P =15.2 nên P/B = 15.2/24.78=0.61. Điều này taxi Vinasun bị cạnh tranh bởi Uber và Grab, nên nhiều NĐT đánh giá tương lai của Vinasun u ám nên P/B thấp như vậy. Nếu bạn đánh giá VNS sẽ tiếp tục u ám thì VNS không đáng lắm để đầu tư nhưng nếu bạn đánh giá VNS sẽ chuyển từ u ám lên mức khá thôi thì bạn đã kiếm được khối tiền rồi đó. Chờ xem VNS sẽ như thế nào nhé?

VII. Những điều cần chú ý thêm về chỉ số P/B

1. Sự thay đổi P/B trong các sự kiện đặc biệt

Như vậy. Chỉ số P/B phản ánh số tiền nhà đầu tư bỏ ra so với vốn chủ sở hữu công ty, tức là mối quan hệ giữa giá thị trường và giá trị sổ sách.

Trong khi, giá cổ phiếu trên thị trường là thước đo của dòng tiền mà công ty sinh ra trong tương lai. Còn giá trị sổ sách (vốn chủ sở hữu) là một thước đo kế toán dựa trên lịch sử và hiện tại, tức là nó sẽ tăng hay giảm phụ thuộc vào lợi nhuận dương hay âm, công ty phát hành thêm cổ phiếu, việc trả cổ tức hay mua lại cổ phiếu.

Ví dụ thực tế trên TTCK Việt Nam: Mã DSN

Trước khi trả cổ tức: P = 60.000 đồng và cổ tức là 6.000 đồng, trong khi đó thì giá trị sổ sách DSN là B = 20.000 đồng.

  • P/B = 60.000 đồng/20.000 đồng = 3

Sau khi trả cổ tức thì: P mới = 54.000 đồng (= 60.000 – 6.000), cổ tức 6.000 đồng, thì B mới = 14.000 đồng (20.000 – 6.000).

  • Vậy P/B mới = 54.000/14.000 đồng = 3.85

Rõ ràng, chỉ 1 hành động của công ty thì chỉ số P/B đã tăng lên 30%.

DSN vẫn cứ là DSN thôi, tuy nhiên chỉ sau 1 ngày chia cổ tức nếu chỉ tính toán mỗi P/B thì đã tăng đến gần 30%!

2. Quan hệ giữa  chỉ số P/B và ROE

Dù đã chia sẻ ở trên “P/B bao nhiêu là tốt”! Nhưng thực tế không có một con số cụ thể nào để đánh giá “P/B” tốt để đánh giá một cổ phiếu là thấp hơn giá trị thực. Mỗi ngành có đặc trưng tỷ lệ P/B khác nhau.

Mối quan hệ giữa P/B còn thể hiện bởi vốn hóa thị trường và vốn chủ sở hữu (tài sản ròng)

Vốn hóa thị trường là giá mà nhà đầu tư bỏ tiền ra mua toàn bộ công ty, và bằng giá 1 cổ phiếu nhân với tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Còn vốn chủ sở hữu thể hiện ở bảng cân đối kế toán nó thể hiện nếu công ty thanh lý hết công ty và trả hết nợ số tiền còn lại chính là giá trị sổ sách của DN.

Tỷ lệ P/B còn cung cấp cho nhà đầu tư chiến lược tìm kiếm cổ phiếu tăng trưởng với giá hợp lý, nên P/B sẽ được kết hợp với ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu).

Một cổ phiếu khi P/B cao và ROE thấp được xem như là cổ phiếu vượt quá giá trị như ROS (giá 200).

Khi ROE tăng lên thì chỉ số P/B tăng lên. Đó là lý do giải thích tại sao khi P/B của mã DSN cao nhưng nó vẫn rất vững vàng và tăng giá rất mạnh, ROE của DSN rất lớn.

Thật tuyệt vời, khi xác định những thông số chung hoặc phạm vi cho chỉ số P/B, sau đó xem xét các yếu tố và các cách định giá khác để đánh giá doanh nghiệp và dự báo tiềm năng tăng trưởng của công ty.

Tỷ lệ P/B thấp được nhà đầu tư giá tri ưa chuộng, P/B cũng được sử dụng nhiều bởi nhà phân tích. Theo truyền thống, bất cứ giá trị P/B nào dưới 1 được xem là tiềm năng cổ phiếu giá trị, và khả năng cho thấy đây là cổ phiếu bị định giá thấp. Tuy nhiên, những nhà đầu tư giá trị cũng thường xem xét cổ phiếu có P/B<3 là chuẩn của họ.

3. Sự ảnh hưởng của tài sản vô hình lên chỉ số P/B

Chúng ta thấy P/B thể hiện 2 điều là Vốn hóa thị trường và vốn chủ sở hữu.

Khi nhà đầu tư mua cổ phiếu mà Vốn hóa thị trường > Vốn chủ sở hữu thì khi đó P/B>1. Điều đó thể hiện việc công ty sẽ tiếp tục thu về lợi nhuận hoặc tăng trưởng từ hoạt động kinh doanh của họ.

Ngược lại khi P/B<1 đồng nghĩa, công ty có tương lai bấp bênh, khó khăn về tài chính hoặc phá sản…

Với đặc trưng về nguyên tắc kế toán, không công nhận những giá trị vô hình như thương hiệu vào giá trị sổ sách (Book value), trừ việc doanh nghiệp được mua lại. Và chi phí  được hoạch toán vào chi phí liên quan để tạo ra tài sản vô hình của công ty được mua lại.

Nhiều chi phí khác như R&D dù bỏ ra chi phí để sáng tạo nội dung nhằm mang về lợi nhuận trong tương lai, nhưng kế toán có cách tiếp cận thận trọng, nên nó không ghi nhận kết quả trong tương lai, giá trị của tiền bản quyền, dẫn đến sự sai khác của vốn hóa thị trường và vốn chủ sở hữu. Hay thậm chí miếng đất mua cách đây 10 năm, giá đất có thể tăng nhưng giá trị sổ sách vẫn giữ nguyên, trừ khi doanh nghiệp thực hiện biện pháp đánh giá lại giá trị sổ sách.

Trong một môi trường kinh doanh biến đổi nhanh chóng như hôm nay, thì P/B chỉ là một chỉ số định giá trong nhiều chỉ số cần xem xét khi định giá doanh nghiệp, cần phải kết hợp với các chỉ số tài chính khác.

Nhà đầu tư cũng cần xem xét kèm các yếu tố định tính và định lượng để ra những quyết định đầu tư sáng suốt và mang lại lợi nhuận.

Kết luận:

  • P/B  chính là số tiền phải trả cho 1 đồng vốn
  • P/B = Giá trị trường/ Giá trị sổ sách 1 cổ phiếu
  • Nếu mọi yếu tố khác như nhau thì P/B càng thấp càng tốt
  • Nên kết hợp với các chỉ số khác để định giá tốt hơn

Nguồn bài viết https://cophieux.com/hieu-chi-so-pb-tu-a-den-z/


Bài 5: Chỉ số P/S chứng khoán là gì? Định giá theo P/S

Chỉ số P/S trong chứng khoán là gì? Và ứng dụng của P/S trong thị trường chứng khoán như thế nào?

Nhà đầu tư đã quá quen thuộc với các chỉ số P/E, P/B, ROE, hay tăng trưởng.

Nhưng…

Đối với doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, hoặc lợi nhuận năm không ổn định thì P/E, ROE, hay tăng trưởng thực sự không phát huy được vai trò của nó trong việc định giá

Vậy thì…

Chỉ số tài chính nào sẽ được dùng thay thế trong trường hợp này?

Đó chính là chỉ số P/S mà chúng ta sẽ tìm hiểu sau đây! (Ngoài ra bạn có thể đánh giá theo chỉ số P/B nữa)

Ngoài ra, thì P/S còn ngăn ngừa tình trạng có thể bóp méo các số liệu tài chính khác.

Lợi nhuận có thể tăng gấp đôi, hay giảm một nữa nhưng doanh thu thực sự khó có thể tăng kiểu quá nhanh, hoặc giảm nhanh dẫn đến ta sẽ có cái nhìn toàn vẹn hơn về doanh nghiệp.

Chỉ số dù ít phổ biến trong cộng đồng nhà đầu tư Việt Nam sử dụng, tuy nhiên nó thành chỉ số nòng cốt của Ken Fisher, O’Shaughnessy… Đó là những nhà đầu tư rất thành công khi áp dụng chỉ số P/S

Vậy nên,

Bài viết này sẽ chia sẻ đến quý nhà đầu tư những ngóc ngách về chỉ số P/S này.

Nội dung:

  • Chỉ số P/S trong chứng khoán là gì?
  • Cách tính chỉ số P/S
  • Ưu nhược điểm và ý nghĩa của chỉ số P/S
  • Ý nghĩa chỉ số P/S
  • Chỉ số P/S bao nhiêu là tốt
  • Minh họa về chỉ số P/S

1. Chỉ số P/S chứng khoán là gì?

Chỉ số P/S (Price/Sales per share – hay price to ratio) là chỉ số dùng để định giá cổ phiếu nhằm đo lường giá cổ phiếu trên doanh thu mỗi cổ phần. Tên gọi khác như tỷ số P/S hay hệ số P/S.

Hay ngắn gọn:

NĐT sẵn sàng bỏ bao nhiêu tiền để mua 1 đồng doanh thu của doanh nghiệp

Những NĐT sử dụng chỉ số P/S vì cho rằng lợi nhuận dễ bị bóp méo, nên P/E sẽ bị sai lệch; hay giá trị sổ sách có thể không đúng, nên P/B không đáng tin cậy. Trong khi đó doanh thu đáng tin cậy cao hơn nên chỉ số P/S sẽ đáng tin hơn.

2.Cách tính chỉ số P/S là gì?

Giá cổ phiếu, KLCP lưu hành, Vốn hóa thị trường của Vinamilk
Giá cổ phiếu, KLCP lưu hành, Vốn hóa thị trường của Vinamilk
Bang-doanh-thu-4-quy-gan-nhat-VNM
Bảng doanh thu 4 quý gần nhất của VNM

Công thức tính P/S

P/S = Giá cổ phiếu/ Doanh thu mỗi cổ phần.

Trong đó: Doanh thu mỗi cổ phiếu = Tổng doanh thu/ Số lượng cổ phiếu lưu hành

Hoặc: P/S = Tổng vốn hóa/Tổng doanh thu thuần

Trong đó:

  • P = Price = Market price: Giá cổ phiếu tại thời điểm hiện tại
  • S = Sales per share: Doanh thu thuần trên mỗi cổ phiế

Thông tin về vốn hóa thị trường và doanh thu  bạn có thể lấy từ Cafefta sẽ có 2 bảng thông tin ở trên:

Ta có:

  • Giá cổ phiếu P = 126,2 (ngàn đồng)
  • KLCP lưu hành = 1,741 (tỷ cổ phiếu)
  • Vốn hóa thị trường = 219.763 (tỷ đồng gần bằng 10 tỷ USD)
  • Tổng doanh thu 4 quý gần nhất: = 13.738 tỷ+ 13.743 tỷ +13.015 tỷ +13.230 tỷ = 53.726 tỷ đồng

Khi đó:

Doanh thu trên 1 cổ phiếu = Tổng doanh thu 4 quý/LKCP Lưu hành = 53.736/1,741= 30,86 (ngàn đồng)

  • P/S = Giá 1 CP/ Doanh thu 1 CP = 126,2 /30.86 = 4.09 
  • P/S = Vốn hóa thị trường/Tổng doanh thu = 219.763/53.726= 4.09 

Vậy chỉ số P/S của VNM lúc tính toán là 4.09

Điều này có nghĩa: NĐT sẵn sàng bỏ ra đến 4.09 đồng cho mỗi đồng doanh thu mà VNM tạo ra năm gần nhất.

Thực tế, hầu hết các chỉnh số cơ bản về tài chính như giá cổ phiếu, KLCP lưu hành, doanh thu đều được cập nhật trên các trang website về tài chính. Ngoài Cafef ra, bạn có thể đọc dữ liệu của cổ phiếu VNM ở Vietstock (https://finance.vietstock.vn/VNM-ctcp-sua-viet-nam.htm), hay ở ngay các công ty chứng khoán đều có cả, ví dụ như Vndirect hay  (https://www.vndirect.com.vn/portal/tong-quan/vnm.shtml) hay SSI (http://ivt.ssi.com.vn/CorporateSnapshot.aspx?Ticket=vnm) cũng như rất nhiều công ty chứng khoán khác.

Tin vui là  … mọi chỉ số đều có sẵn

Bạn cũng không cần tính chỉ số P/S vì tất cả nó đều có sẵn ở trên website ở nhiều công ty chứng khoán như SSI, Tân Việt

Chi-so-PS-tren-web-cua-SSI

Bạn bấm Mã CK mã nào bạn cần xem như VNM, VJC (Hình Elip). Sau đó bạn sẽ xem hình Click vào  Tình hình tài chính, bạn sẽ thấy P/S của VNM là 4.10

Như đã thấy chúng ta tính toán là 4.09 và SSI tính toán là 4.10. Lý do của sự khác biệt có thể do 2 điều:

  • Sự cập nhật dữ liệu của cafef và SSI
  • Công thức tính SLCP là bình quân

Rất may mắn…

Đầu tư chứng khoán, không cần con số chính xác 100% như đi thi! Ở đây 4.09 và 4.10 đều được chấp nhận.

Nếu bạn muốn xem chi tiết P/S qua tại thời điểm hiện tại của cổ phiếu nào đó, trong thời điểm hiện tại, 4 quý gần nhất hay những năm trước đây!

Và đây là nơi bạn có thể xem được cổ phiếu như điều bạn muốn. Trang web của Chứng Khoán Tân Việt.

Và làm theo trình tự từ 1 đến 6!

VNM-chung-khoan-Tan-Viet

Khi đó:

  1. Nhập mã cần xem chỉ số P/S (Ví dụ mã VNM)
  2. Bấm vào Dữ Liệu
  3. Bấm vào báo cáo tài chính
  4. Bấm vào chỉ số tài chính
  5. Bấm vào Hàng Quý (mặc định), Muốn xem năm thì bấm vào hàng năm
  6. Kéo dưới dưới đến mục VI. Chỉ số định giá, bạn nhìn vào Hệ số Giá Cổ phiếu/Doanh số trên cổ phiếu (P/S)

Như ta thấy: Chỉ số P/S tại thời điểm hiện thời là 4.10.

Ngoài ra, bạn có thể thấy chỉ số P/S của các quý liền trước đó. Ví dụ như P/S quý 1/2018 của VNM là 4.78.

Nếu bạn muốn xem P/S quá khứ  5 năm gần nhất của VNM như thế nào thì bạn Bấm vào Hàng Năm, kết quả hiện ra tương ứng các năm 2014-2018

PS-cua-VNM-qua-tung-nam

Tại thời điểm viết bài P/S của VNM là 4.10; trong khi 5 năm qua chỉ số P/S của VNM tầm 3.6-3.7

Vậy theo bạn, hiện tại chỉ số P/S của VNM là đắt hay rẻ? Chỉ số P/S bao nhiêu là tốt?

Câu hỏi đó CophieuX cũng trả lời cho bạn trong bài viết này!

Vậy…

Với những phân tích trên, Ưu nhược điểm khi sử dụng P/S là gì?

3. Ưu nhược điểm của chỉ số P/S

Ưu điểm của chỉ số P/S:

  • Doanh thu ít bị bóp méo hơn so với lợi nhuận. Nên chỉ số P/S sẽ có tính chính xác hơn
  • Có thể dùng định giá cả những công ty làm ăn thua lỗ. (khác với chỉ số P/E)
  • Vì doanh thu biến động thấp hơn lợi nhuận nên P/S sẽ ổn định, điều này khác với chỉ số P/E
  • Đối với công ty khởi nghiệp (Bạn có coi chương trình Shark Tank – Thương vụ bạn tỷ chứ?), thì P/S được xem là chỉ số đáng tin cậy hơn rất nhiều so với chỉ số P/E

Nhược điểm của chỉ số P/S:

  • Bản chất của kinh doanh là lợi nhuận và dòng tiền. Dù doanh  thu nhiều và tăng trưởng cao nhưng thu không bù chi trong dài hạn, thì lợi nhuận sẽ âm, công ty sẽ bị phá sản. Do đó công ty chỉ có doanh thu thôi, thì không có ý nghĩa.
  • Thực tiễn ghi nhận doanh thu, do cách hoạch toán
  • Chỉ số P/S có thể cung cấp cho chúng ta về bán hàng nhưng không thể nắm bắt được sự khác biệt về cấu trúc chi phí giữa các công ty

Để bạn hình dung hơn về chỉ số P/S trong thực tiễn, CophieuX đưa ra ví dụ sau:

Tiki – một sàn thương mại điện tử, được biết đến với việc bán sách – những năm gần đây liên tục thua lỗ qua các năm.

Theo nguồn cafef thì:

Năm 2016 và 2017, Tiki lỗ lần lượt là 179 tỷ và 282 tỷ đồng, 2018 lỗ 757 tỷ. Và tổn lũy kế khoản thua lỗ của Tiki đến 1300 tỷ đồng!

Cùng theo đó Tiki “đốt sạch” khoản tiền mà VNG là trên 500 tỷ vào Tiki!

PS-cua-Tiki

Một doanh nghiệp lỗ như thế này, phải chăng là vứt!!!

Điều gì xảy ra với định giá của Tiki, một công ty chuyên làm ăn thua lỗ!

danh-gia-TiKi

Những gì mà VNG đốt vào Tiki không phải là vô ích, trong góc độ kế toán là thua lỗ! Nhưng trong định giá và nếu VNG chuyển nhượng 1 phần số cổ phiếu nắm giữ của Tiki thì chắc chắn sẽ kiếm được kha khá tiền.

Truyền thông có thể nói cho bạn là Tiki lỗ này nọ, nhưng Tiki càng ngày càng đáng giá. Và ít ra đến thời điểm hiện tại nếu VNG bán Tiki thì cũng ăn khá dày!

Qua đây ta thấy được vai trò định giá của P/S!

Đốt tiền để là một nghệ thuật & người đốt tiền là nghệ sĩ!

4. Ý nghĩa của chỉ số P/S, Chỉ số P/S nói lên điều gì?

Ý nghĩa của chỉ số P/S thấp:

  • Cổ phiếu đang bị định giá thấp
  • Công ty đang gặp vấn đề (tài chính, kinh doanh, lợi nhuận âm…)
  • Doanh nghiệp có biên lợi nhuận thấp, mức cạnh tranh yếu

Ý nghĩa của chỉ số P/S cao:

  • Cổ phiếu đang định giá cao.
  • Triển vọng công ty trong tương lai rất tốt.
  • Doanh nghiệp có thể có biên lợi nhuận gộp cao, lợi thế cạnh tranh cao.

Để rõ hơn ta thử xem xét 2 cổ phiếu VNM và FLC thử như thế nào nhé!

PS-VNM-va-FLC

Ta nhận thấy, trong giai đoạn 2014-2018

  • Chỉ số P/S của VNM rất cao, nằm trong dải 3.6-4.2
  • Chỉ  số P/S của FLC rất thấp, chỉ nằm trong dải từ 0.24-0.64.

Nếu ta nhẩm tính thì trong suốt giai đoạn này chỉ số P/S của VNM gấp 10 lần so với chỉ số P/S của FLC

Vậy điều gì xảy ra vậy?

Cùng 1 mức doanh thu, tại sao nhà đầu tư sẵn sàng trả cho VNM gấp 10 lần so với FLC.

Cá biệt hơn, nếu nhìn chỉ năm 2018 thì nhà đầu tư sẵn sàng trả VNM gấp đến tận 16 lần cho cùng 1 đồng doanh thu!

Nhà đầu tư trên thị trường có phải bị mù không?

CophieuX nhận thấy rằng, thị trường chứng khoán cơ bản thì rất sáng suốt đánh giá giữa giá và bản chất thật của doanh nghiệp, mà chúng ta gọi là giá trị thực.

Khi một khi một chỉ số P/S cao hay thấp, ta cần xem xét bản chất doanh nghiệp đang ở vị trí nào trên thị trường và nội tại của nó.

  • Chỉ P/S của FLC được nhà đầu tư đánh giá là cổ phiếu đang gặp vấn đề, hoạt động kinh doanh không tốt
  • Chỉ số P/S của VNM cao thể hiện VNM có lợi thể cạnh tranh rất cao. Còn hiện giá có quá cao so với giá trị không? Thì bản thân VNM, hiện tại không phải là thương vụ hấp dẫn đối với Nhà đầu tư cá nhân, khi ta có lợi thế tìm được nhiều cổ phiếu để thay thế hơn.

Với một sự phức tạp trong định giá P/S như vậy làm thế nào để đánh giá Cổ Phiếu X nào đó là đắt hay rẻ!

Vậy…

Chỉ số P/S bao nhiêu được xem là tốt và nó phụ thuộc vào những yếu tố nào?

Chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu về chỉ số P/S ở mục tiếp theo!!!

5. Chỉ số P/S bao nhiêu là tốt và hợp lý?

Chỉ số P/S phụ thuộc vào lợi nhuận, tốc độ tăng trưởng, lợi thế cạnh tranh, độ an toàn hay rủi ro về mặt tài chính, ngành kinh doanh của doanh nghiệp, điều kiện vĩ mô như lạm phát, lãi suất, tốc độ tăng trưởng GDP của đất nước.

  • Tốc độ tăng trưởng cao => P/S cao
  • Lợi thế cạnh tranh mạnh => P/S cao
  • Tính rủi ro DN cao => P/S thấp
  • Nợ/ Vốn chủ sở hữu nhiều => P/S thấp
  • Vĩ mô tốt => P/S cao…
  • Doanh nghiệp làm ăn hiệu quả => P/S cao
  • Ngành nghề ổn định => P/S cao

Trong thực tế thị trường chứng khoán, chúng ta thông thường sẽ thấy tương quan lớn giữa các yếu tố đó với chỉ số P/S.

Như những ví dụ ở trên, ta thấy:

  • Chỉ số P/S của VNM, DSN rất cao
  • Chỉ số của FLC rất thấp

Điều đó rất hợp lý và tương xứng kiểu “Nồi nào úp vung nấy”, “hàng nào của nấy”, “ngưu tầm ngưu mã tầm mã”.

Nhưng những nhà đầu tư giá trị tin rằng: Không phải lúc nào cũng vậy, chắc chắc sẽ có sự sai lệch nào đó mà thị trường chưa nhận ra, hoạt nhà đầu tư hoảng loạn, hoặc chưa đủ trí tuệ để nhận ra sự tương xứng.

Do đó sẽ có 2 trường hợp:

  • Cổ phiếu vượt quá giá trị thực
  • Cổ phiếu thấp hơn giá trị thực

Chính sự sai khác giữa yếu tố đó với chỉ số P/S. Ví dụ như hiệu quả kinh doanh cao nhưng P/S thấp đó là cơ hội để mua vào, chờ đơi và thực hiện hóa lợi nhuận.

Hoặc với 2 mã cổ phiếu có nhiều nét tương đồng nhau về yếu tố kinh doanh và tài chính… Cũng sẽ có doanh nghiệp A có chỉ số P/S = 1, trong khi doanh nghiệp B có chỉ số P/S = 2. Vậy doanh nghiệp nào tốt hơn?

Tuy nhiên, nếu mọi yếu tố như nhau thì chỉ số P/S càng thấp càng tốt.

Nếu để chính xác cho một con số bao nhiêu là hợp lý thì sẽ không có một câu trả lời chuẩn xác nhất. Những công ty vững mạnh và tăng trưởng tốt thường có chỉ số P/S cao ví dụ: DSN có chỉ số P/S >3 (cuối năm 2018), Chỉ số P/S VNM = 4.5, ngược lại những doanh nghiệp chất lượng thấp như FLC  có P/S = 0.32 (05/12/2018); Nhưng cũng có những công ty làm ăn tốt có chỉ số P/E thấp, đó là những cổ phiếu thiên về giá trị như SED (P/S = 0.35); VGG (P/S = 0.26). Ngoài ra, Ngọ cũng có vài gợi ý sau để bạn loại bỏ những doanh nghiệp xấu mà định giá quá cao cũng như chọn được những cổ phiếu định giá hợp lý.

  • Công ty tạm tạm, tăng trưởng không ổn định, biên lợi nhuận thấp nhưng P/S cao (ví dụ: P/S>1) thì nên cẩn trọng. P/S càng cao thì càng tránh xa.
  • Đánh giá doanh thu có thực tế có thực hay không? Bạn có thể đánh giá yếu tố này dựa vào khoản phải thu, nếu tỷ số khoản phải thu/doanh thu cao hay khoản phải thu tăng nhiều thì cần chú ý.
  • Yếu tố rủi ro của doanh nghiệp: như rủi ro về tài chính như Nợ, hay rủi ro về kinh doanh: khả năng xâm nhập ngành, rủi ro về quản trị như sự trung thực…

Mua cổ phiếu có chỉ số P/S thấp hơn so với quá khứ của chính nó!

Thực tế bạn nên đánh giá chỉ số P/S so với chính quá khứ của doanh nghiệp bạn cần đầu tư. Khi chỉ số P/S thấp hơn đáng kể so với trung bình quá khứ bạn có thể tiến hành mua vào và chờ đợi quả ngọt.

Đối với những doanh nghiệp mang tính ổn định, và vững mạnh thì so sánh với chính nó trong quá khứ là một ý tưởng đầu tư rất tốt.

Mua cổ phiếu có chỉ số P/S thấp hơn so với trung bình ngành của nó!

Dù thực tế, các chỉ số P/S của một doanh nghiệp và ngành thường không được tính phổ biến và sẵn có như chỉ số P/B, P/E hay ROE ngành. Hiện tại bạn có thể xem chỉ số P/S tại: https://www.stockbiz.vn/Industries.aspx

Chi-so-PS-nganh

Nhìn vào ảnh trên ta nhận thấy, ngày có chỉ số P/S thấp nhất là:

Nhóm ngành dầu khí với chỉ số P/S thấp nhất là  0.34

Nhóm ngành tài chính có chỉ số P/S cao nhất là 5.38

Tuy ở góc độ nào đó, ta có thể thấy ngành dầu khí có thể rẻ hơn tài chính 1 chút, tuy nhiên đừng vội kết luận. Bởi ngành nghề nó sẽ có mức P/S riêng phụ thuộc vào đặc tính ngành nghề của mình.

Tuy nhiên, ở đây chỉ là P/S của nhóm ngành rộng. Nếu tìm chi tiết bạn click vào dấu cộng (+) ở bên trái tên nhóm ngành & bạn sẽ thấy nhóm ngành con.

Như ảnh trên ta thấy chỉ số P/S của nhóm ngành Hàng tiêu dùng là 1,25

Trong nhóm ngành này sẽ chia làm 3 nhóm nhỏ hơn gồm:

  • Ô tô và linh kiện ô tô có chỉ số P/S là 0.41
  • Thực phẩm và đồ uống có chỉ số P/S 1.86
  • Hàng tiêu dùng cá nhân và gia đinh có chỉ số P/S là 0.45

Trong khi đó: Nhóm thực phẩm và đồ uống sẽ gồm:

  • Nhóm đồ uống (Gồm nhóm Bia, chứng cất & Bán rượu, nước giải khát): chỉ số P/S = 3.27
  • Nhóm sản xuất thực phẩm có chỉ số P/S = 1.58

Do đó, để đánh giá cổ phiếu nào là hời hay không, CophieuX gợi ý bạn là: (1) Đầu tiên, xác định doanh nghiệp mình ở nhóm ngành nào. (2) So sánh chỉ số P/S của doanh nghiệp bạn quan tâm so với trung bình ngành.

Lưu ý khi sử dụng định giá cổ phiếu bằng chỉ số P/S

Khi bạn hỏi chỉ số P/S bao nhiêu là tốt? Ở góc độ định giá chứng khoán thì không có một công thức chính xác nào để khẳng định chỉ số P/S chính xác bằng bao nhiêu là tốt.

Tuy nhiên…

Bạn so sánh chỉ số P/S với đặc điểm hiện tại và quá khứ và tương lai doanh nghiệp như tốc độ tăng trưởng, hiệu quả kinh doanh, lợi thế cạnh tranh, nhóm ngành… Từ đó đưa ra được quyết định chính xác nhất.

Do đó,

Bạn nên kết hợp các chỉ số định giá lại để cho ra kết quả tối ưu nhất, mua được giá hời và thu được nhiều lợi nhuận. Bạn đọc thêm 11+ Công thức định giá cổ phiếu đơn giản & chuẩn xác nhất, để giúp bạn hiểu được phần nào về quá trình định giá cổ phiếu.

Trong bất cứ lĩnh vực nào, để đi đúng hướng và chính xác nhất bạn cần 1 mentor. Chứng khoán càng cần mentor, bởi họ chỉ dẫn bạn, nếu không mỗi sai lầm đều tốn thời gian và tiền của. Chứng khoán nếu bạn nghiêm tức sẽ có tiền.

6. Minh họa về chỉ số P/S

Chỉ số P/S là gì? - Ảnh minh họa về chỉ số P/S ở cổ phiếu VNM
Công thức: P/S = Vốn hóa/ Doanh thu thuần.

Như như hình trên:

Ta có: Thời điểm bán VNM giá 133.000 đồng/CP, khi đó vốn hóa thị trường toàn bộ công ty sẽ tương ứng 237.703 tỷ đồng (10 tỷ USD). Và ta tính được doanh thu 4 quý gần nhất là Q4-2017 đến Q3-2018 có tổng doanh thu thuần bán được là: 51.977 tỷ đồng (Hơn 2 tỷ doanh thu).

Khi đó ta tính P/S = 237.703/51.977 =4.57

Nhận xét: Cổ phiếu VNM được bán gấp 4.57 lần so với doanh thu, hay cứ 1 đồng doanh thu nhà đầu tư thì thị trường trả 4.57 đồng.

P/S = 4.57 là cao. Do Vinamilk doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh rất tốt, làm ăn tốt.

Tóm lại:

P/S = Vốn hóa/ Doanh thu thuần
P/S thể hiện NĐT sẵn sàng bỏ bao nhiêu đồng cho 1 đồng doanh thu.
Nếu các tiêu chí như nhau: P/S càng thấp càng tốt.
Cần kết hợp với các chỉ số tài chính khác như P/E, P/B, ROE…

Nguồn bài viết https://cophieux.com/chi-so-ps/


 

Bài 06: ROE là gì? Cách tính ROE?

Qua bài viết này, bạn sẽ hiểu được:

  • Chỉ số ROE là gì
  • Cách tính chỉ số ROE
  • Ý nghĩa của chỉ số ROE
  • Chỉ số ROE bao nhiêu là tốt
  • Cách áp dụng và minh họa về chỉ số ROE
  • Mối liên hệ giữa chỉ số ROE và các chỉ số tài chính khác
  • Những lưu ý khác về hệ số ROE

1. Chỉ số ROE là gì?

ROE là viết tắt của từ Return On Equity, thường gọi là lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, hay lợi nhuận trên vốn cũng được.

Có thể hiểu: Bạn bỏ tiền của chính mình ra (không vay mượn) để mở quán cà phê, trong 12 tháng có một số tiền lời. Thì chỉ số ROE chính là tỷ số của số tiền lời / tiền vốn bạn bỏ ra. Cụm từ “một vốn, bốn lời” thì ROE = 4 / 1 = 4 hay 400%, đơn vị tính ROE là %

2. Công thức tính chỉ số ROE

Công thức:

ROE = Lợi nhuận sau thuế (Earnings) / Vốn chủ sở hữu (Equity) * 100%

Trong đó:

  • Lợi nhuận sau thuế: là lợi nhuận ròng dành cho cổ phiếu thường.
  • Vốn chủ sở hữu: là nguồn vốn của chủ sở hữu doanh nghiệp.

Bạn sẽ thấy 2 mục trên ở báo cáo tài chính, Lợi nhuận sau thuế nằm ở bảng kết quả hoạt động kinh doanh, còn Vốn chủ sở hữu nằm ở bảng cân đối kế toán.Theo ảnh 1, bạn sẽ thấy:

  • Vốn chủ sở hữu = Tài sản – Nợ = 10 – 4 = 6
  • Còn Lợi nhuận = Doanh thu – Chi Phí = 10 – 9 =1

Do đó ta tính được:

  • ROE = Lợi nhuận / Vốn chủ sở hữu = 1/6 * 100% = 16.6%

3. Ý nghĩa chỉ số ROE là gì? ROE nói lên điều gì?

Chỉ số ROE thể hiện mức độ hiệu quả khi sử dụng vốn của doanh nghiệp, hay nói cách khác 1 đồng vốn bỏ ra thì thu được bao nhiêu đồng lời.

Về mặt lý thuyết, ROE càng cao thì khả năng sử dụng vốn càng có hiệu quả. Những cổ phiếu có ROE cao thường được nhà đầu tư ưa chuộng hơn. Và tất yếu những cổ phiếu có chỉ số ROE cao cũng có giá cổ phiếu cao hơn.

Khi đánh giá ROE, bạn cũng nên đánh giá điều sau :

ROE < Lãi vay ngân hàng: vậy nếu công ty vay ngân hàng thì lợi nhuận tạo ra cũng chỉ để trả lãi vay ngân hàng mà thôi.

ROE > Lãi vay ngân hàng: thì chúng ta phải đánh giá xem công ty đã vay ngân hàng và khai thác hết lợi thế cạnh tranh trên thương trường chưa, nhằm xem xét công ty này có khả năng tăng ROE trong tương lai hay không.

Ngoài ra, ROE cao duy trì trong nhiều năm cũng thể hiện lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp, những doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh, lợi thế cạnh tranh cao, hay độc quyền thường có chỉ số ROE rất cao.

Tóm lại: ROE = hiệu quả sử dụng vốn

4. Chỉ số ROE như thế nào là tốt?

Một trong những tiêu chí đánh giá công ty có đủ năng lực tài chính theo chuẩn quốc tế, thì  chỉ số ROE phải đạt mức tối thiểu 15%.

Đây là tiêu chí rất quan trọng để Buffett lựa chọn công ty, ông muốn công ty có ROE >= 15%.

Theo tiêu chí CANSLIM của Wiliam O’Neil thì ROE của doanh nghiệp cũng phải tối thiểu 15%.

Tuy nhiên, chúng ta không nên chỉ xét một năm riêng lẻ mà nên là nhiều năm, ít nhất là 3 năm. Theo cá nhân người viết, nếu doanh nghiệp duy trì được ROE >=20% và kéo dài ít nhất 3 năm, thì mới thuyết phục rằng nó có vị trí trên thương trường.

Vậy: ROE >=15% duy trì ít nhất 3 năm thì được đánh giá doanh nghiệp làm ăn hiệu quả

Ngoài ra, bạn cũng nên quan tâm đến yếu tố động của ROE, tức là ROE có xu hướng tăng hay giảm, tuy nhiên bạn không nên nhìn vào xu hướng tăng giảm một cách vô hồn, mà còn nhìn vào yếu tố tác động đến ROE để phân tích, Chỉ số ROE được tạo nên từ tích của 3 yếu tố:

ROE = lợi nhuận biên X vòng quay tài sản X đòn bẩy tài chính

Chính sự phân tích 3 yếu tố tạo nên chỉ số ROE, nhà đầu tư sẽ hiểu được lý do và tìm ra được những cổ phiếu tăng trưởng ổn định. (Cụ thể ở phần 6)

Khi ROE tăng chứng tỏ doanh nghiệp sử dụng vốn hiệu quả  hơn so với trước đây, khi đó nhà đầu tư cũng sẽ thường dự đoán ROE những năm tiếp theo sẽ cao hơn ROE hiện tại, và đánh giá cổ phiếu khả quan hơn. Ngược lại khi chỉ số ROE giảm thì nhà đầu tư sẽ đánh giá thấp cổ phiếu hơn.

Kết luận:

ROE >=15% + ROE ngày càng tăng + Duy trì ít nhất 3 năm => Doanh nghiệp tốt.

5. Ví dụ minh họa về hệ số ROE

Giờ bạn đã có nền tảng kiến thức ROE rồi đó, chúng ta sẽ xem xét ROE của vài doanh nghiệp trên sàn nhé.

5.1 Chỉ số ROE của Vinamilk (mã: VNM)

Chỉ số ROE của Vinamilk (Mã: VNM)

Nhận xét: Ta thấy ROE của Vinamlik (VNM) luôn duy trì ở mức >30%, từ năm 2013 đến 2016 lần lượt là 37.24%, 30.84%, 37.15%, 41.73%.

Điều đó có nghĩa là Vinamilk sử dụng vốn của cổ đông rất hiệu quả và ổn định. Đó cũng là một trong những lý do giá cổ phiếu VNM luôn tăng trưởng tốt.

VNM là cổ phiếu xứng đáng để nắm giữ dài hạn.

Ngoài ra: Chỉ  số ROE của những cổ phiếu như DSN, TCT, TTT, WCS, SKG, MWG, HPG, FPT… rất tốt. Vấn đề còn lại là bạn mua ở mức giá hợp lý hay không thôi.

5.2 Chỉ ROE cổ phiếu của FLC

Chỉ số ROE của FLC, không ổn định và thấp

Nhận xét: ROE của FLC luôn bé hơn 15%, nên FLC  kinh doanh không mấy tốt đẹp, chỉ nhìn vào ROE thì nó cũng có những nét tích cực như sự tăng trưởng. Tuy nhiên nó chưa thực sự sử dụng vốn hiệu quả.

Cộng thêm nhiều yếu tố khác nữa, bạn nên quên ngay chuyện đầu tư dài hạn vào FLC đi, nói rộng ra là nhóm cổ phiếu này (cổ phiếu họ nhà Quyết) như KLF, HAI, ROS, ART…  FLC chỉ là cổ phiếu lướt sóng hoặc chỉ là đánh bạc thôi.

6. Mối liên hệ giữa chỉ số ROE và cách chỉ số tài chính khác

Nhà đầu tư thường sẽ thấy ROE và ROA (Return on Assets) đi theo cặp với nhau.

ROA  = Lợi nhuận / Tài sản

Bạn sẽ thấy chúng chỉ khác nhau ở mẫu số: ROA là tài sản, còn ROE là vốn chủ sở hữu.

Đòn bẩy tài chính = ROE/ROA = Tài sản / Vốn chủ sở hữu

Một doanh nghiệp phát triển tốt, thường chỉ dùng đòn bẩy tài chính ở mức hợp lý, hoặc rất ít.

Do đó khi đầu tư bạn không chỉ chú ý hệ số ROE, mà còn nên chú ý cả ROA nữa.

Một doanh nghiệp có ROE = 30% và ROA = 5%, Ngọ không đánh giá cao bằng doanh nghiệp ROE = 20% và ROA =15%.

Chúng ta cũng nên chú ý đến ngành. Ví dụ, chỉ số ROE ngành ngân hàng thường cao, nhưng ROA thấp, vì bản chất ngành này là lấy tiền người gửi và cho vay lại hoặc đầu tư, kinh doanh từ sự chênh lệch lợi suất này. ROE cao gấp ROA 10 lần là chuyện bình thường.

Trong kinh doanh:

ROE = Lợi nhuận biên X Vòng quay tài sản X Đòn bẩy tài chính

Do đó để tăng ROE thì bắt buộc nhà quản trị phải tăng ít nhất 1 trong 3 chỉ số kia. Đó cũng là cách những nhà đầu tư cần đánh giá khi quyết định đầu tư vào doanh nghiệp.

Lợi nhuận biên = Lợi nhuận sau thuế/doanh thu:

Doanh nghiệp có thể gia tăng khả năng cạnh tranh nhằm nâng cao doanh thu và đồng thời tiết giảm chi phí nhằm gia tăng lợi nhuận ròng biên?

Vòng quay tài sản = doanh thu/ tài sản

Doanh nghiệp có khả năng tạo ra nhiều doanh thu hơn từ những tài sản sẵn có?

Ví dụ ban sáng bạn bán đồ ăn sáng, buổi trưa bạn bán cơm bình dân cho dân văn phòng và buổi tối bạn bán cà phê. Như vậy với cùng một tài sản là cửa hàng bạn đã gia tăng được doanh thu nhờ biết bán những thứ cần thiết vào thời gian thích hợp.

Đòn bẩy tài chính = Tài sản / Vốn chủ sở hữu

Doanh nghiệp có thể nâng cao hiệu quả kinh doanh bằng cách vay nợ thêm vốn để đầu tư. Nếu mức lợi nhuận trên tổng tài sản của doanh nghiệp cao hơn mức lãi suất cho vay thì việc vay tiền để đầu tư của doanh nghiệp là hiệu quả.

Ngoài ra còn có những chỉ số liên quan đến ROE như ROI, ROIC…

7. Những lưu ý khác về chỉ số ROE

  • Không được coi trọng quá mức chỉ số ROE, cần kết hợp chỉ số ROE với các chỉ số tài chính khác để được hiệu quả tốt hơn.
  • Chỉ số ROE  hoàn toàn có thể bị bóp méo nếu như doanh nghiệp mua lại cổ phiếu quỹ để làm giảm vốn chủ sở hữu, khi đó lợi nhuận vẫn không đổi nên sẽ tăng ROE lên hoặc sẽ tăng lợi nhuận bằng các thủ thuật kế toán nhằm tăng ROE, khi đó nhà đầu tư sẽ “mắc lừa” khi chỉ tập trung chỉ số này khi tìm kiếm cổ phiếu.
  • Vẫn có nhiều phân khúc khác để đầu tư, không nhất thiết phải có chỉ số ROE cao.

Tổng kết:

  • ROE = Lợi nhuận sau thuế / Vốn chủ sở hữu.
  • Chỉ số ROE càng cao thì hiệu quả sử dụng vốn càng cao
  • Doanh nghiệp tốt: ROE >=15%, xu hướng tăng, duy trì ít nhất 3 năm
  • Chỉ số ROE có mối quan hệ chặt chẽ với ROA thông qua nợ.
  • ROE = lợi nhuận biên * vòng quay tài sản * đòn bẩy tài chính
  • Phải biết linh hoạt sử dụng ROE.

nguồn bài viết https://cophieux.com/chi-so-roe/


 

Bài 07: Cách định giá cổ phiếu của Peter Lynch & John Neff (thêm)

Nguyên tắc của đầu tư giá trị, là bạn chỉ được phép mua cổ phiếu thấp hơn giá trị thực của cổ phiếu một khoản đáng kể, đó được gọi biên an toàn.

Tuy nhiên về cách tìm ra giá trị thực của cổ phiếu thì có nhiều cách thức, tất nhiên mỗi phương pháp sẽ cho bạn một kết quả khác nhau

Cùng một cổ phiếu, cùng một dữ liệu đầu vào… nhưng do quan điểm mỗi nhà đầu tư mỗi khác (dựa vào trải nghiệm, sự thấu hiểu phương pháp & phương pháp ưa dùng, hay quan điểm về rủi ro…) mà có thể cho ra những con số tính toán giá trị thựckhác nhau.

Một cổ phiếu bạn án chừng giá trị thực từ 20.000 đến 30.000 thì bạn vẫn có thể mua cổ phiếu đó với giá 15.000 đồng. Tất nhiên kèm với quản trị danh mục, do đó bạn vẫn có thể thu được một lợi nhuận thỏa đáng.

Hôm nay, Ngọ chia sẻ thêm với bạn một công thức định giá cổ phiếu cũng rất được hay dùng bởi Peter Lynch & John Neff, rất đơn giản & mà nhà đầu tư cá nhân bình thường có thể thực hiện được.

I. Cách định giá cổ phiếu kết hợp giữa Peter Lynch & John Neff

Những cổ phiếu phù hợp sử dụng công thức này, là những doanh nghiệp ổn định, tăng trưởng không cao (<10%/năm) & trả cổ tức tương đối.

Công thức đó là:

(R + G) / PE > 1,5

Chỉ số này càng cao càng tốt

Trong đó:

R = Cổ tức bằng tiền (VNĐ)/ Giá cổ phiếu  hiện tại

  • G: Tốc độ tăng trưởng dài hạn (%)
  • PE: Chỉ số P/E của cổ phiếu

Đây là công thức được 2 SIÊU nhà đầu Peter Lynch & John Neff trong cuốn sách & các bài luận của mình.

Ví dụ:

Nếu Cổ Phiếu X có:

  • Giá cổ phiếu là: P = 40.000 đồng/Cổ phiếu
  • Cổ tức bằng tiền trả hàng năm là 30% mệnh giá. Tức là 3.000 đồng
  • Tốc độ tăng trưởng dự kiến dài hạn 7%/năm
  • EPS năm vừa qua là 5.000 đồng/cổ phiếu

Khi đó ta tính được:

  • Tỷ suất cổ tức: R = Cổ tức bằng tiền/ Thị giá = 3.000/40.000 =7.5%
  • Chỉ số P/E: P/E = 40.000/5.000 = 8
  • Ta cũng có G = 7%/năm (như đề bài)

Từ công thức của Peter Lynch & John Neff ta có: (Lưu ý khi thực hiện bạn nên bỏ %, tức 7% thì ghi 7)

(R + G) / PE = ( 7.5 + 7) / 8 = 1.81 >1.5

Vậy công việc của bạn là tiến hành mua vào Cổ Phiếu X & chờ đợi thu kết quả thôi.

II. Làm rõ hơn về công thức của Peter Lynch & John Neff

Đối với Peter Lynch:

Peter Lych có xu hướng thiên về nhà đầu tư tăng trưởng.

Công thức định giá cổ phiếu ông ưu thích nhất là PEG<1 (thường áp dụng với cổ phiếu tăng trưởng nhanh). Suy ra, khi đó G/PE >1  (Đã đáp ứng ít nhất 2/3 yêu cầu ban đầu)

Để hiểu hơn, Bạn cần đọc bài: Định giá cổ phiếu theo chỉ số PEG

Và ông chia sẻ lý do ông mua cổ phiếu tăng trưởng chậm là chính là do yếu tố cổ tức hấp dẫn, điều đó dẫn đến tỷ số: Cổ tức bằng tiền/ Chỉ số PE hấp dẫn, hay chỉ số R/PE hấp dẫn

Để hiểu hơn, bạn cần đọc bài: Cổ tức và bài: Cách định giá theo chỉ số P/E.

Đối với John Neff:

Ông là nhà nhà đầu tư giá trị, ông rất yêu thích chỉ số P/E. Ông rất coi trọng vai trò của cổ tức. Ông đánh giá cổ tức đã góp phần không nhỏ vào kết quả khả quan của ông.

Ông cũng không thích cổ phiếu tăng trưởng cao, một mức tăng trưởng đều đều ổn định ở mức thấp giúp ông yên tâm hơn để đảm bảo doanh nghiệp tốt & ít biến động.

Rõ ràng, một mức tỷ suất cổ tức cao + một  tốc độ tăng trưởng nhẹ, ổn định là phù hợp với phong cách John Neff nhất.

Cho nên công thức (R +G)/PE >1.5 là rất phù hợp!

III. Ứng dụng thị trường Việt Nam

Thực tế khi áp dụng công thức này vào thị trường Việt Nam, Ngọ phát hiện cũng kha khá cổ phiếu áp ứng yêu cầu của công thức này.

Ngọ ví dụ một mã đó là DSN (Công viên nước Đầm Sen)

Về cổ tức: (Theo lịch sử trả cổ tức)

anh-tra-co-tuc-DSN

Ta có:

  • Cổ tức năm 2016 được chốt trả vào 22/12/2016 là 36% (3.600 đồng), 16/02/2017 là 1.400 đồng
  • Cổ tức năm 2017 được trả vào tháng 1 & 3/2018 lần lượt là 36% (3.600 đồng) & 20% (2.000 đồng)
  • Cổ tức năm 2018 được trả vào tháng 1&2/2019 lần lượt là 36% và 29% tương ứng 3.600đồng & 2.900 đồng

Do đó cổ tức bằng tiền trung bình 3 năm là: 5.700 đồng

Với giá cổ phiếu tại thời điểm Ngọ viết (6/2019) là 59.500 đồng.

Ta suy ra:

Tỷ suất cổ tức R = 5.700/59.500 = 9.6%

Xét về tăng trưởng:

Toc-do-tang-truong-DSN

(Còn cụ thể số liệu từng năm như thế nào bạn có thế xem chi tiết ở cafef)

Dựa vào mức tăng trưởng quá khứ, cũng như lợi thế cạnh tranh của DSN ở vị trí đắt địa Sài Gòn, (có thể tăng giá vé hàng năm, & tăng khách đến chơi, nhưng hiện đang bí đường mở rộng

Giả định: mức tăng trưởng  DSN trong 3-10 năm nằm trong dải trong dải: 0% – 10%/năm.
Và 
dải này cũng có sự thay đổi, nếu điều kiện ngoại cảnh hay nội cảnh thay đổi đến DSN tác động đến yếu tố tăng trưởng.

Lưu ý: Tốc độ tăng trưởng ở đây là tăng trung bình từ 3-10 năm, không phải là tăng trưởng năm sau hay các năm trước.

Khi đó: Kết hợp giữa cổ tức & tỷ lệ tăng trưởng và chỉ số P/E của DSN (P/E =7.51 – theo số liệu thực tế)

Danh-gia-DSN-theo-cong-thuc

Khi:

  • Tốc độ tăng trưởng < 2%. Dựa vào công thức, kết quả là KHÔNG ĐẠT
  • Tốc độ tăng trưởng g >=2%. Dựa vào công thức, kết quả là ĐẠT

Kết luận: Dựa vào Bảng kết quả công thức định giá của Peter Lynch & John Neff. Thì tại thời điểm viết: Mua cổ phiếu DSN sẽ có khả năng phần thưởng lớn hơn đáng kể so với rủi ro, xét cho nắm giữ dài hạn.

Tuy nhiên, trên đời này chuyện gì cũng có thể xảy ra… bạn theo dõi định kỳ để xem xét sự thay đổi  ảnh hưởng đến các yếu tố ta xem xét: P/E, tăng trưởng, cổ tức.

nguồn bài viết https://cophieux.com/cach-dinh-gia-co-phieu-luych-va-neff/


Bài 08: EV/EBITDA là gì? EV/EBIT là gì? Cách tính & Nó tốt khi nào?

Nội dung bài viết gồm:

  • Chỉ số EV/EBIT và EV/EBITDA là gì?
  • Công thức tính chỉ số EV/EBIT và EV/EBITDA
  • Ý nghĩa của chỉ số EV/EBIT và EV/EBITDA
  • EV/EBIT và EV/EBITDA bao nhiêu là tốt?

I. Chỉ số EV/EBITDA – EV/EBIT là gì?

Chỉ số EV/BITDA và EV/EBIT là 2 trong nhiều chỉ số định giá cổ phiếu khi bạn tham gia thị trường chứng khoán.

Nhưng đây cũng là 2 chỉ báo ít được sử dụng phổ biến tại thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tuy nhiên trên thế giới, có rất nhiều nhà đầu tư sử dụng chỉ số này ví dụ như: Joel Greenblatt

II. Cách tính EV/EBIT và EV/EBITDA

Công thức tính EV/EBIT & EV/EBITDA
Công thức tính EV/EBIT & EV/EBITDA

Trong đó:

  • EV: Là giá trị doanh nghiệp.
  • EBIT: Là lợi nhuận trước lãi vay và thuế
  • EBITDA: Là Lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao

Cụ thể hơn:

  • EV (giá trị doanh nghiệp) = Vốn hóa thị trường + Tổng nợ – Tiền mặt
  • EBITDA = Lợi nhuận thuần trước thuế + Chi phí lãi vay + Khấu hao
  • EBIT = Lợi nhuận trước thuế + Chi phí lãi vay

Tuy nên để hiểu đúng bản chất nhất về EBIT là gì? (Bạn xem tại đây) hay EBITDA là gì (Bạn xem tại đây)

III. Ý nghĩa khi sử dụng chỉ số EV/EBIT và EV/EBITDA là gì?

Trong các chỉ số định giá cơ bản như P/E, P/B, P/S thì có thể nói 2 chỉ số EV/EBIT và EV/EBITDA có sự gần giống với chỉ số P/E nhất. Tuy nhiên điểm khác biệt của chúng cũng rất rõ rệt:

EV/EBIT loại bỏ sự thay đổi trong cơ cấu vốn, nhằm giúp nhà đầu tư có cái nhìn chính xác hơn khi các doanh nghiệp có cấu trúc vốn khác nhau, hiểu đơn giản là quy đồng mẫu những công ty có mức nợ và tiền mặt khác nhau.

EV/EBITDA thì mạnh dạn hơn loại bỏ sự thay đổi trong cơ cấu vốn, và khấu hao nhằm giúp nhà đầu tư có cái nhìn chính xác hơn khi các doanh nghiệp có cấu trúc vốn khác nhau, hay ngành khác nhau.

IV. Ưu điểm và nhược điểm của chỉ số EV/EBIT và EV/EBIDA

Ưu điểm:

  • Được sử dụng phổ biến với những NĐT chuyên nghiệp
  • Hoạt động tốt để định giá ở những doanh nghiệp ổn định, và chi phí vốn thấp
  • Có giá trị so sánh tương đối tốt ở những loại hình doanh nghiệp khác nhau

Nhược điểm:

  • Không tính đến chi phí vốn
  • Khó tính toán khi có những tăng trưởng biến động, khác nhau
  • Hiện NĐT cá nhân tự tính toán, vì chưa phổ biến ở TTCK Việt Nam.

V. 11 bước để tính các chỉ số EV/EBIT và EV/EBITDA hiệu quả nhất.

Học nhanh không gì bằng thực hành. Nên Ngọ sẽ hướng dẫn bạn cách tính sao cho tối ưu nhất. Bạn có thể tính nhanh từng năm, từng công ty, nhưng Ngọ hướng dẫn cho bạn 10 bước để tính chỉ số này đúng và hiệu quả:

1. Hãy chọn một ngành cụ thể. Ví dụ như tiêu dùng nhanh (VNM, QNS, MSN…), ngành dược, bất động sản…

2. Chọn ra tầm 5 công ty để dễ so sánh (càng nhiều càng tốt)

3. Loại bỏ nhiễu (do quá khác biệt, hay hỗn hợp kinh doanh nhiều sản phẩm, độc quyền địa phương…)

4. Thu thập dữ liệu tài chính 3 năm (5 năm càng tốt) như: Doanh thu lợi, lợi nhuận gộp, EPS, chi phí lãi vay, khấu hao…

5. Thu thập dữ liệu tài chính hiện tại như Vốn hóa thị trường, nợ, tiền mặt…

6. Tính EV = Vốn hóa thị trường + Tổng nợ – Tiền mặt

7. Tính EBITDA hoặc EBIT theo công thức

  • EBITDA = Lợi nhuận thuần trước thuế + Chi phí lãi vay + Khấu hao

  • EBIT = Lợi nhuận trước thuế + Chi phí lãi vay

Bạn chưa biết cách tính EBIT, EBITDA từ bảng báo cáo tài chính thì đọc đọc: Cách tính EBITcách tính EBITDA

8. Chia EV cho EBIT hoặc EBITDA

9. So sánh chỉ số EV/EBIT hoặc EV/EBITDA của các công ty từng nhóm ngành

10. Xem xét các lý do tại sao EV/EBIT hoặc EV/EBIT lại cao hoặc thấp

11. Đưa ra lựa chọn những công ty phù hợp với tiêu chí định giá

Để tối ưu được hiệu quả đầu tư, và định giá chính xác nhất hãy tham gia khóa học chứng khoán của Ngọ

VI. EV/EBIT và EV/EBITDA bao nhiêu là tốt?

Thông thường, 2 chỉ số EV/EBIT và EV/EBIDA dưới 10 được xem là tốt. Tuy nhiên bạn cũng cần chú ý:

So sánh 2 công ty này trong cùng 1 ngành sẽ cho cái nhìn khách quan và chuẩn xác nhất, nên bạn không máy móc hoàn toàn. EV/EBIT hay EV/EBITDA cao có thể do công ty được quá giá trị, nhưng cũng có thể do doanh nghiệp chất lượng tốt, và tăng trưởng ổn định. EV/EBIT hay EV/EBITDA thấp có thể là công ty đinh giá thấp nhưng cũng có thể chất lượng doanh nghiệp kém, nhiều rủi ro.

Nếu các yếu tố khác như nhau thì, EV/EBIT hay EV/EBITDA càng thấp càng tốt.
Tối ưu nhất nên kết hợp với các yếu tố định giá khác

nguồn bài viết https://cophieux.com/ev-ebitda-ev-ebit-la-gi/

Cách tính chiết khấu dòng tiền dưới góc nhìn của NĐT giá trị Monish Panbrai

Một trong những cuốn sách hay nhất viết về đầu tư là The Dhando Investor, bởi Monish Pabrai. Có một đoạn trong cuốn sách mà trong đó Pabrai đã trình bày cách tính toán giá trị nội tại một cách đơn giản, và bạn có thể sử dụng việc tính toán đó để tìm các khoản đầu tư tiềm năng.

Dưới đây số lưu ý từ cuốn sách:

Những lợi thế của việc mua cổ phiếu của một doanh nghiệp rất rõ ràng, nhưng trước khi chúng ta mua, chúng ta phải biết được giá trị nội tại của nó. Làm thế nào để chúng ta sẽ biết được đó là mức giá hợp lý ?

Mọi doanh nghiệp đều có giá trị nội tại riêng của nó, và nó được xác định bởi cùng một công thức khá đơn giản. John Burr Williams là người đầu tiên định nghĩa nó trong quyển Theory of Investment Value của ông ấy, được xuất bản vào năm 1938.

Theo Williams, giá trị nội tại của bất kỳ doanh nghiệp nào cũng được xác định bởi dòng tiền ra và dòng tiền chảy vào – được chiết khấu với lãi suất phù hợp – mà có thể được dự kiến sẽ xảy ra trong suốt quá trình hoạt động còn lại của doanh nghiệp.

Để lý giải cho việc đó hãy tưởng tượng vào cuối năm 2006, một trạm xăng khu vực lân cận đã được đưa ra bán, và người chủ đã đưa ra giá đề nghị là $500,000. Hơn nữa, hãy giả sử rằng trạm xăng đó có thể  được bán lại với giá $400,000 sau 10 năm.

Dòng tiền nhàn rỗi – dòng tiền có thể được lấy ra khỏi doanh nghiệp – dự kiến sẽ là 100.000 đô la mỗi năm trong 10 năm tới. Chúng ta hãy bàn luận xem chúng ta có nên mua trạm xăng đó hay đầu tư vào một khoản đầu tư khác có mức rủi ro thấp với mức lãi 10%/năm ví dụ như trái phiếu?

Chúng có thể sử dụng Excel. Như bảng 7.1 cho thấy, giá trị nội tại của trạm ga đó rơi vào khoản $775,000 (với mức chiết khấu, hay lợi suất 10%/năm)

Cách tính chiết khấu dòng tiền dưới góc nhìn của NĐT giá trị Monish Panbrai

Chúng ta sẽ mua nó với nó $500,000, nên chúng ta sẽ mua nó khoảng hai ba phần giá trị nội tại của nó. Một thương vụ tương đối hấp dẫn!

Nếu chúng ta tiếp tục phân tích theo kiểu chiết khấu dòng tiền DCF thì vào thương vụ đầu tư trái phiếu rủi ro thấp nhưng có lãi suất 10%/năm, nó sẽ giống như bản 7.2.

P/S: Để dễ hiểu bảng dưới, bạn hãy tưởng tượng như bạn gửi tiền gửi ngân hàng (hay mua trái phiếu) và rút ra hàng năm. Xin nhớ: 50.000 USD là mức lãi 10% hàng năm của khoản đầu tư 500.000 USD.

Cách tính chiết khấu dòng tiền dưới góc nhìn của NĐT giá trị Monish Panbrai

Nguồn: The Dhando Investor

Không ngạc nhiên! 500.000 đô la Mỹ đầu tư vào phương án thay thế rủi ro thấp có giá trị chính xác là 500.000 đô la. Việc đầu tư vào trạm xăng là một cuộc thoả thuận tốt hơn là mua trái phiếu có lãi suất 10% – đó là trường hợp giả sử dòng tiền dự kiến và giá bán ra đều được bảo đảm.

Thị trường chứng khoán cho chúng ta giá mà hàng ngàn doanh nghiệp để ta có thể mua. Chúng ta có thể dùng công thức đó để tìm ra những doanh nghiệp đáng giá. Nó rất đơn giản. Khi chúng ta bắt gặp sự chênh lệch lớn giữa giá cả và giá trị của một doanh nghiệp mà ta tính – gọi biên an toàn của khoản đầu tư – chúng ta sẽ tiến hành mua vào.

Mohnish Pabrai cùng với tỷ phú Charlie Munger

Công thức tính chiết khấu dòng tiền là:

PV = FV / (1 + r)^n

Với: r là suất chiết khấu, n là số năm.

  • Áp dụng thử bảng 7.2 bảng tính chiết khấu dòng tiền ngay phía trên:
  • Năm 2007: PV = 50.000 / (1 + 10%)^1 = 45.454
  • Năm 2008:  PV = 50.000/ (1 + 10%)^2 = 41.322
  • Năm 2016: PV = 50.000/ (1 +10%)^10 = 19.277

nguồn bài viết https://cophieux.com/cach-tinh-chiet-khau-dong-tien-panbrai/

 

3 công thức định giá cổ phiếu Benjamin Graham SIÊU CHUẨN

Benjamin Graham là cha đẻ của phương pháp đầu tư giá trị. Do đó những công thức định giá cổ phiếu của Benjamin Graham nếu bạn hiểu đúng và đầy đủ sẽ giúp bạn có được lợi nhuận tuyệt vời.

Trong chuỗi series: 11+ phương pháp định giá cổ phiếu, Ngọ gửi đến nhà đầu tư. Thì 3 công thức định giá cổ phiếu của Benjamin Graham không phải được nhiều người biết đến. Nhưng nó hiện vẫn cho một kết quả tốt, nếu bạn áp dụng theo.

Ngọ với tư cách là nhà đầu tư lâu năm, một quản lý tiền cho NĐT khác & đào tạo chứng khoán cho người đi làm. Ngọ sẽ chia sẻ cho bạn 3 công thức định giá cổ phiếu của Benjamin Graham. Hãy luôn đọc CophieuX hàng tuần nhé.

Nội dung bài viết gồm:

  1. Nguyên tắc định giá & mua cổ phiếu giá trị
  2. 3 Công thức định giá cổ phiếu của Benjamin Graham
  3. Ví dụ để làm rõ công thức định giá cổ phiếu của Benjamin Graham

Bắt đầu nào…

I. Nguyên tắc đầu tư giá trị

Benjamin Graham là giáo sư kinh tế, nhà quản lý quỹ thành công mức sinh lãi hàng năm của ông là tầm 20%/năm. Ông được biết đến là cha đẻ của đầu tư giá trị, tác giả 2 cuốn sách nổi tiếng là Nhà đầu tư thông minh & Phân tích chứng khoán (2 cuốn sách này đã được dịch ra Tiếng Việt & bán rộng rãi). Benjamin Graham cũng là thầy của Warren Buffett – nhà đầu tư thành công nhất thế giới hiện đại,

Nguyên tắc của đầu tư giá trị là Biên an toàn.

Tức là mua cổ phiếu thấp hơn đáng kể so với giá trị thực của cổ phiếu.

Tức là bỏ ra 5 đồng để mua 1 cổ phiếu 10 đồng! Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng đối với nhà đầu tư cá nhân xảy ra 2 vấn đề khó khăn:

  1. Không biết Cổ phiếu X, mình quan tâm đáng giá bao nhiêu?
  2. Không giữ mình, Biết là Cổ Phiếu X đáng giá 10 đồng, nhưng bỏ 15 đồng ra mua Cổ Phiếu X vì đang sốt – Đây là phạm trù Bong bóng cổ phiếu & lý thuyết kẻ ngốc hơn.

Lưu ý nguyên lý này: Bất chấp thế nào đi nữa, hãy chỉ được phép cổ phiếu thấp hơn đáng kể so với giá trị thật.

II. 3 công thức định giá cổ phiếu của Benjamin Graham

1. Công thức định giá 1(CT1)

Value = EPS x (8.5 +2g)

  • Value: Là giá trị thực mà ta đang tính toán
  • EPS: Tổng EPS (thu nhập trên mỗi cổ phần) của 12 tháng. Nếu bạn chưa rõ EPS là gì? Hãy đọc tại đây
  • 8,5: Hằng số biểu thị tỷ lệ PE của công ty với mức tăng trưởng 0%
  • g: Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận dài hạn (5-10 năm) của công ty

2. Công thức định giá 2 (CT2)

công thức định giá cổ phiếu 2
công thức định giá cổ phiếu 2
  • Value – EPS – 8,5­ – g: Được hiểu như công thức định giá 1 của Graham
  • 4: Tỷ lệ lợi nhuận tối thiểu yêu cầu. Tỷ lệ phi rủi ro là 4,4% vào khoảng năm 1962, khi mô hình này được giới thiệu
  • Y: Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp AAA 20 năm hiện tại.

Nhận xét:

  • Rõ ràng ta nhận thấy, công thức định giá 2 (CT2) là phần mở rộng của công thức định giá 1 (CT1) nhưng có phần chặt chẽ hơn rất nhiều.
  • Ta có Y > 4.4 (Vì trái phiếu doanh nghiệp luôn lớn hơn lợi nhuận phi rủi ro). Khi đó Value (CT2) < Value (CT1).
  • Định giá theo cách định giá thứ 2 sẽ an toàn hơn so với công thức 1.

3. Công thức định giá 3 (CT3)

Ở mức độ này, Cách ước lượng giá trị thật của Benjamin Graham sẽ phụ thuộc vào EPS (Thu nhập trên mỗi cổ phần) & BVPS (Giá trị sổ sách trên mỗi cổ phần), nó thể hiện sự hài hòa giữa tài sản & thu nhập. Công thức định giá thứ 3 là :

Value = (22.5 X EPS X BVPS) ^ (½)

Ví dụ để hiểu hơn về 3 công thức của Benjamin Graham:

Cổ Phiếu X có :

  • EPS = 5.000 đồng (Lợi nhuận trên 1 cổ phiếu)
  • G = 7%/năm (Trung bình kéo dài trong 5-10 năm)
  • Y = 6 (Tức là 6% cho lãi suất trái phiếu doanh nghiệp)
  • BVPS = 40.000 đồng (Giá trị sổ sách mỗi cổ phiếu)

Khi đó:

  1. Theo CT1: Value1 = EPS x (8.5 +2g) = 5.000 X (8.5 + 2×7) = 112.500 đồng
  2. Theo CT2: Value2 = EPS x (8.5 + 2g) x 4.4/ Y = [ 5000 X (8.5 + 2×7) X 4.4] / 6 = 82.500 đồng
  3. Theo CT3: Value3= (22.5 X EPS X BVPS) ^ ( ½) = (22.5 X 5.000 X 40.000)^(1/2) = 67.000 đồng

Hầu hết Nhà đầu tư cá nhân nghĩ rằng, giá trị thực của cổ phiếu là 1 con số chính xác! Đây là một quan niệm có phần cứng nhắc & thiếu sót.

Theo 3 công thức định giá cổ phiếu của Benjamin Graham thì ta cũng thấy là chúng có 3 kết quả khác nhau.  Thấp nhất là Công thức 3 có Value3 = 67.000 đồng, cao nhất là công thức 1 có Value1 = 112.500 đồng. (Chênh nhau đến 68%!).

Buffett cũng từng chia sẻ (Trong quá khứ xa): Giá trị thực cổ phiếu Bershire Hathaway của ông là bao nhiêu? Ông trả lời: Nó nằm trong khoảng tầm 10.000 đô la/cổ phiếu đến 100.000 đô la/cổ phiếu. Tất nhiên giá trị thực hồi xưa là như vậy, nhưng theo thời gian nhất quyết nó sẽ tăng lên. Bạn muốn biết Giá cổ phiếu Bershire Hathaway của Buffett chúng ta cao bao nhiêu thì đọc Tại đây – Bạn sẽ choáng nếu lần đầu biết đến nó!

Do đó, Giá trị thực của Cổ phiếu là 1 dải rộng, chứ không phải là 1 con số chính xác

Theo công thức ta tính toán:

Giá trị thực Cổ Phiếu X sẽ nằm trong đoạn từ 82.500 đồng đến 116.200 đồng.

Vậy Bạn làm gì khi tìm thấy Cổ Phiếu X bán với giá 40.000 đồng/cổ phiếu? Chúc mừng bạn, hãy mỉm cười &…

III. Ứng dụng công thức định giá cổ phiếu của Benjamin Graham vào TTCK Việt Nam

Công thức định giá cổ phiếu của Benjamin Graham được ứng dụng tại TTCK Mỹ vào giữa thế kỷ 20. Có nhiều chứng minh, hiện tại chúng vẫn cho kết quả tốt. Với NĐT cá nhân chưa nhiều kiến thức & hiểu biết thì chúng ta có thể đặt biên an toàn cao hơn.

Bản chất Công thức 2 & Công thức 1 có tính tương đồng. Ngọ thử xét điều chỉnh công thức 1 nhé.

Công thức gốc:  Value1 = EPS X (8.5 + 2g)

Để an toàn hơn & phù hợp với điều kiện Việt Nam, bạn có thể điều chỉnh:

  • 8,5 thành 7
  • 2 thành 1,5 hoặc 1

Khi đó công thức định giá Benjamin điều chỉnh mới có thể là:

Value1* (điều chỉnh) = EPS X (7 +  g)

Hoặc: Value1** (điều chỉnh) = EPS X (7 + 1,5 g)

Áp dụng lại để tính Cổ Phiếu X, ta có:

  • Value1* = EPS X (7 +g) =  5000 X (7 + 7) = 70.000 đồng/cổ phiếu
  • Value2* = 5.000 X (7+ 1,5*g) = (7 + 1.5 X 7) = 87.500 đồng/cổ phiếu

Về cơ bản, Nhằm đảm bảo an toàn, bạn nên điều chỉnh để giá trị thực mình tính toán thấp hơn so với công thức của Benjamin Graham.

  • Ngoài ra, bạn hoàn toàn áp dụng công thức định giá Benjamin Graham như là màn lọc cổ phiếu. Sau đó đánh giá cổ phiếu thỏa mãn các tiêu chí của Benjamin Graham và của chính bạn để tăng tính tin cậy.  CophieuX – Ngọ lọc sơ theo công thức 3 (vào ngày 31.05.2019) – Bạn sẽ có cả vài trăm mã có Giá cổ phiếu thấp hơn giá theo định giá công thức 3 (Như hình dưới) – Đó là những mã Tô màu VÀNG
Danh sách cổ phiếu theo dựa theo công thức định giá số 3 của Benjamin Graham
Danh sách cổ phiếu theo dựa theo công thức định giá số 3 của Benjamin Graham

IV. 2 Lưu ý khi sử dụng công thức định giá của Benjamin Graham

Ứng dụng tính giá trị thực của Benjamin Graham có 2 biến & 2 con số dễ biến động đó là EPS & G, vậy làm thế nào để xử lý vấn đề này?

EPS là con số dễ bóp méo nên bạn tốt nhất sử dụng cho những doanh nghiệp mang tính ổn định như DSN. Hoặc bạn nên tính lợi nhuận trung bình EPS 5 năm trong quá khứ thì nó ít rủi ro hơn.

G: Là tốc độ tăng trưởng tương lai 5-10 năm, vậy làm thế nào có thể tính G. Ngọ chia sẻ cách tính chỉ số G ở phần cuối bài định giá theo PEG – mời bạn đọc TẠI ĐÂY.

nguồn bài viết  https://cophieux.com/cong-thuc-dinh-gia-benjamin-graham/


Bài 09: ROS là gì? Chỉ số ROS bao nhiêu là tốt?

ROS là chỉ số trong chứng khoán được sử dụng ở phân tích cơ bản nhằm đánh giá sức mạnh tài chính của doanh nghiệp, bên cạnh các chỉ số như ROA, ROE. Hiểu được chỉ số ROS là gì và ý nghĩa của ROS thì nhà đầu tư có thể chọn những doanh nghiệp chất lượng tốt.

Cấu trúc bài viết:

  • ROS là gì?
  • Cách tính chỉ số ROS
  • Ý nghĩa của chỉ số ROS
  • Chỉ số ROS bao nhiêu là tốt
  • Mối quan hệ giữa ROS –  ROA – ROE
  • Ví dụ về chỉ số ROS

I. Chỉ số ROS là gì?

Chỉ số ROS (viết tắt Return On Sales), tức là Tỷ số lợi nhuận trên doanh thu (Tỷ suất sinh lời trên doanh thu, Suất sinh lời của doanh thu). Nó phản ánh nếu doanh nghiệp thu được 100 đồng doanh thu thì có được bao nhiêu đồng lợi nhuận. Chỉ số ROS tính theo tỷ lệ %. Nó phản ánh quan hệ giữa lợi nhuận ròng dành cho nhà đầu tư và doanh thu của công ty. Người Việt ta hay nói là bán 1 lời 1 (tức vốn chi phí = 1 đồng, bán 2 đồng, lời 1 đồng),  thì khi đó ta hiểu ROS = 50%

II. Cách tính chỉ số ROS là gì?

Tỷ số lợi nhuận trên doanh thu (ROS) ở 1 kỳ nhất định (tháng, quý, năm) được tính bằng cách lấy lợi nhuận sau thuế trong kỳ chia cho doanh thu trong kỳ đó. Đơn vị tính là %.

Cả lợi nhuận sau thuế và doanh thu đều có thể lấy từ báo cáo kết quả kinh doanh của công ty, ở báo cáo tài chính.

Công thức tính tỷ số ROS như sau:

Ảnh 2: Công thức tính chỉ số ROS
Công thức tính chỉ số ROS


III. Ý nghĩa của chỉ số ROS là gì?

Vì ROS thể hiện lợi nhuận/doanh thu, tức là chiếm bao nhiêu  % so với doanh thu. Doanh thu là con số dương. Vậy nên:

+ Khi ROS > 0: Công ty kinh doanh có lãi, khi ROS càng lớn thì lãi càng lớn.

+ Khi ROS âm: Công ty đang bị lỗ.

Tuy nhiên ROS phụ thuộc vào đặc tính của từng ngành nghề, muốn đánh giá công ty thì nên đánh dựa trên mặt bằng trung bình ngành, nếu ROS > ROS trung bình ngành, công ty tốt hơn so với trung bình ngành, cũng như so sánh với giai đoạn phát triển của doanh nghiệp.

IV. Cách đánh giá chỉ số ROS? Chỉ số ROS bao nhiêu là tốt?

1. Tỷ số ROS so với trung bình ngành

Mỗi ngành sẽ có chỉ sổ ROS trung bình ngành khác nhau, nên chỉ đánh giá ROS tốt hơn trung bình ngành thôi.

2. Còn nếu chỉ số ROS đứng độc lập

Ngọ đề xuất: ROS > 10%. => Công ty mạnh

3. Xu hướng của chỉ số ROS

Một doanh nghiệp muốn bền vững thì nên duy trì tỷ số ROS ổn định, hoặc gia tăng theo thời gian, sẽ rất tốt nếu 3-5 năm luôn ổn định hay chỉ số ROS gia tăng

4. Phụ thuộc vào chiến lược công ty

Có những công ty ROS âm, tức là làm ăn thua lỗ, thường là xấu nhưng không lúc nào có nghĩa là xấu. Ví dụ Siêu thị Metro lỗ 12 năm liên tục nhưng vẫn bán với giá 900 triệu USD, hay Cocacola Việt Nam, Tiki, Grab Uber? Công ty có thể chuyển giá hoặc đó là chiến lược công ty?

Ví dụ: VNG đầu tư vào Tiki 384 tỷ, theo Vnexpress.net đưa tin lỗ 218 tỷ (năm 2017), nhưng đã có công ty nước ngoài vào mua tiếp cổ phần Tiki với giá cổ phần gấp 4 lần so với Tiki, nên tính giá đó VNG đã lời 300%. Grab, Uber cũng vậy thôi; sau 1 hồi chiến tranh khi giành phần thắng sẽ có được cả thiên hạ. Trong kinh doanh, bản chất duy nhất là lợi nhuận! Còn theo kinh tế nhất là: “Tối đa hóa giá trị của doanh nghiệp/ hay giá trị của cổ phiếu”.

5. Mục tiêu của doanh nghiệp

Gia tăng thị phần, niềm tin của khách hàng, marketing, mà tỷ số ROS sẽ biến động.

6. Doanh nghiệp theo chu kỳ hay đột biến

Khi doanh nghiệp đúng chu kỳ kinh doanh tốt, thì lợi nhuận tăng rất nhanh và khi hết chu kỳ thì lợi nhuận sẽ giảm rất mạnh. Do đó nên xem xét chỉ số ROS không chỉ 1 năm mà nên 3-7 năm.

Đôi khi doanh nghiệp có nhưng thu nhập thất thường, đột biến thì NĐT nên loại bỏ để tính đến phần lợi nhuận này để tính ROS

V. Mối quan hệ giữa ROS –  ROA – ROE là gì?

ROA, ROS, ROE cũng đánh giá công ty hoạt động hiệu quả hay không. ROS là lợi nhuận / doanh thu tính dựa vào bản hoạt động kinh doanh, ROA, ROE thì lấy ở bảng cân đối kế toán. Các chỉ số này nên có mức độ tương đồng về mặt xu hướng với nhau.

Ngoài ra, tỷ số ROS và số vòng quay tài sản có xu hướng ngược nhau. Do đó, khi đánh giá tỷ số này, người phân tích tài chính thường tìm hiểu nó trong sự kết hợp với số vòng quay tài sản.

  • ROS = Lợi Nhuận sau thuế/ Doanh thu thuần
  • Vòng Quay tài sản = Doanh thu thuần/ Tổng tài sản
  • ROA = Lợi nhuận sau thuế/ Tổng Tài sản.
  • ROE = Lợi nhuận sau Thuế/ Vốn Chủ Sở Hữu

VI. Ví dụ về chỉ số ROS

Tỷ số ROS của công ty Cổ phần Đầm Sen Nước (mã  DSN)

Ví dụ để hiểu ROS là gì, để đầu tư hiệu quả.
.

Nhận xét:

Từ năm  2014-2017, Tỷ số ROS của DSN luôn năm nằm ở mức xung quanh từ 41-45%. Một tỷ số lợi nhuận/Doanh thu cực khủng, đây là kinh doanh gần như bán 1 lời 1 mà ta hay thấy. Thể hiện DSN là công ty làm ăn cực tốt và có xu hướng độc quyền. Nếu giá cả không quá đắt, thì đây là cổ phiếu xứng đáng để đầu tư dài hạn.

nguồn bài viết https://cophieux.com/ros-la-gi-chi-so-ros-bao-nhieu-la-tot/


Mình đính chính lại đâynguồn dẫn lấy từ  https://cophieux.com/tan-man-ve-dinh-gia-co-phieu-nhung-dieu-can-luu-y/

trang web goctuvan.net

Chat hỗ trợ
Chat ngay